Chính phủ yêu cầu báo cáo 'Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm' trước 18/4

PV 16/04/2020 07:46

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương báo cáo xung quanh việc mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 “lúc nửa đêm” và báo cáo cho Thủ tướng trước ngày 18/4/2020.

Chính phủ yêu cầu báo cáo 'Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm' trước 18/4

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến vụ xuất khẩu gạo trước ngày 18/4/2020. Ảnh: Dantri.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính về báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, tại văn bản nêu trên, Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước tình hình nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Trong đó, nêu cụ thể về quy trình, cách làm danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Ngoài ra, báo cáo việc mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc thực hiện điều hành xuất khẩu gạo tháng 4, công tác phối hợp với Bộ Tài chính trong thực hiện xuất khẩu.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung nêu trên trước ngày 18/4/2020.

Cùng ngày, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị công khai danh sách các doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4, trong đó nêu cụ thể tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu đến thời điểm này để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu.

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cho phép xuất khẩu số lượng 400 nghìn tấn trong tháng 4. Bộ Công Thương sau đó công bố hạn ngạch. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng mở cửa khai báo hải quan, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã báo đủ và “khép” cửa.

Trừ những doanh nghiệp mừng rỡ vì đẩy được hàng đi, số đông còn lại tỏ ra bức xúc vì không thể làm thủ tục. Hàng hóa tiếp tục tồn đọng, ùn ứ ở cảng, phát sinh hàng loạt chi phí. Ngày 15/4, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã có những phản ánh xung quanh những bất thường về việc hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực cho biết, ngày 10/4 vừa qua, sau 18 ngày hàng hóa sẵn sàng nằm ngoài cảng chờ lệnh cho phép xuất trở lại, các thương nhân nhận được quyết định về hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020 ở mức 400.000 tấn.

Theo đó, một số thương nhân lo sợ sự kiện “0 giờ” tái lập nên đã bố trí nhân sự trực canh khai tờ khai hải quan xuyên đêm, nhất là cột mốc 0h ngày 11/4.

Các thương nhân đã truyền đủ dữ liệu cần thiết và theo dõi thường xuyên hệ thống khai báo hải quan đến 23h ngày 11/4 nhưng không nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan do vẫn bị khóa.

Sau 23h ngày 11/4, một số thương nhân đã tạm ngừng theo dõi hệ thống khai hải quan vì không nghĩ rằng hệ thống sẽ mở lúc 0h ngày Chủ nhật 12/4/2020, ngày nghỉ cuối tuần và không có cán bộ hải quan tiếp nhận làm việc.

Điều đáng nói theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 24/3 - 10/4, phía cơ quan hải quan đã nắm rất rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai hải quan cũng như thông quan được do lệnh tạm dừng.

“Việc đăng ký tờ khai bất ngờ được triển khai lúc 0h ngày Chủ nhật mà không có một thông tin chính thức nào trước đó khiến các thương nhân hoàn toàn bị động”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực cho biết.

* Trước đó, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản hoả tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo nếp. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị hai bộ này cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không. Cùng với đó là đề nghị đánh giá tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy ra gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ. Đồng thời hai bộ cho cho ý kiến về đề nghị việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới. Để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị hai bộ gửi văn bản tham gia ý kiến trước ngày 16/4.

Trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm. Góp ý với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Long An cũng đề nghị cho phép xuất khẩu lại mặt hàng nếp không hạn chế số lương để giải quyết vấn đề tồn kho. Liên quan đến việc xuất khẩu gạo tẻ, Thủ tướng đã đồng ý việc xuất khẩu với số lượng 400 nghìn tấn trong tháng 4. Bộ Công Thương sau đó công bố hạn ngạch. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng mở cửa khai báo hải quan, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã báo đủ và “khép” cửa. Trừ những doanh nghiệp mừng rỡ vì đẩy được hàng đi, số đông còn lại tỏ ra bức xúc vì không thể làm thủ tục. Hàng hóa tiếp tục tồn đọng, ùn ứ ở cảng, phát sinh hàng loạt chi phí. Ngày 15/4, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã có những phản ánh xung quanh những bất thường về việc hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ yêu cầu báo cáo 'Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm' trước 18/4