Cộng đồng doanh nghiệp (DN) vô cùng khó khăn sau một thời gian dài vì ảnh hưởng của dịch Covid -19. Để cộng đồng DN có thể phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất.
Cùng với đó, nội dung hỗ trợ phải mạnh mẽ, thông suốt, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng.
9 tháng đầu năm 2021, đã có trên 90 nghìn DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân 1 tháng có hơn 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất của DN là vấn đề về dòng tiền, thanh khoản, người lao động, đặc biệt khó khăn trong đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng.
Theo phân tích của ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thời gian qua, chi phí cho công tác phòng, chống dịch tăng cao, nỗ lực nhằm duy trì sản xuất kinh doanh theo yêu cầu “3 tại chỗ” áp lực lớn đến DN. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics và áp lực nên DN.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng để cộng đồng DN tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để có sức cộng hưởng mạnh. Nội dung hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi với quy trình, thủ tục phải được đơn giản hóa tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện và chế tài xử lý tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
Đánh giá về các chính sách tài khoá để hỗ trợ DN, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng – tương đương 6% hết tháng 9/2021).
“Nhìn chung các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp…” – theo ông Lực.
Về các giải pháp liên quan tới chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất, bên cạnh giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà DN có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả; cần phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để DN có thể thực hiện.