Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được hiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để thu hút được sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Chủ động, sáng tạo trong điều hành
Quảng Ninh là tỉnh địa đầu vùng Đông Bắc Tổ quốc với điều kiện địa lý khác đa dạng có cả đồng bằng, miền núi, đô thị và hải đảo, trong đó đa phần là các địa phương miền núi.
Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, toàn tỉnh Quảng Ninh có tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, lợi thế để xây dựng NTM tại Quảng Ninh là rất ít bởi hạ tầng vùng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải thật sự có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đồng thời cũng cần có cách làm riêng mang tính đột phá, phù hợp với thực tế của địa phương.
Ngày 27/10/2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn Quảng Ninh.
Đặc biệt, Nghị quyết 01-NQ/TU xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, việc xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư thêo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”. Trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Ninh không lựa chọn thí điểm như hầu hết các địa phương khác trong cả nước mà tiến hành thực hiện đồng loạt tại 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long).
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành trong từng giai đoạn cũng được tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Từ việc tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đến việc xây dựng các mục tiêu cụ thể cũng được tính toán và tổ chức một cách linh hoạt tạo ra sự khăng khít và hiệu quả trong quá trình phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành và triển khai nhiều chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình NTM đạt hiệu quả như: Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn…
Song song với đó, hàng loạt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể cũng được phê duyệt, triển khai như: Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, để có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo và tiếp tục xây dựng NTM.
Khơi dậy nội lực xây dựng NTM
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, công tác tuyên truyền luôn được coi trọng để tạo sự đồng thuận, vào cuộc của toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp quần chúng nhân dân tạo thành phong trào sâu rộng.
Phong trào xây dựng NTM ở Quảng Ninh được lồng ghép cùng việc thực hiện các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Thi đua “Dân vận khéo”, gắn xây dựng vườn mẫu với “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”. Từng đoàn thể lại có các phong trào riêng đặc thù, như: “Thắp sáng đường quê” của Hội CCB, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh” của Hội Phụ nữ; Mặt trận Tổ quốc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Đoàn Thanh niên phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng NTM”, “Quân đội chung sức xây dựng NTM”… đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao của người dân.
Trong huy động nguồn lực, giai đoạn 2011-2019, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh đạt 120.814.472 triệu đồng. Đáng chú ý là 4 năm (2016-2019) đã huy động cao hơn 5 năm của giai đoạn I (2011-2015). Các quy định về cơ cấu vốn đều đảm bảo ở mức tốt hơn. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các tổ chức tín dụng đầu tư vào phát triển sản xuất. Đồng thời đã thực hiện được mục tiêu vốn ngân sách giảm dần qua các năm và chuyển sang vốn xã hội hóa.
Đích đến, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn. Do vậy, Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp sáng tạo, đột phá về sản xuất và thu nhập.
Theo đó, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo, đạt được kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Quảng Ninh cũng là địa phương xây dựng đề án về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đây có thể coi là cách làm sáng tạo và bước đi riêng của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135. Nhờ vậy, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019, về sớm 1 năm và là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình 135.
Có thể thấy, Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được hiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm riêng, sáng tạo. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 5 địa phương cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 90 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,68% (năm 2010) xuống còn 1% (năm 2019).