Sau nhiều năm thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tế. Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội thảo “Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong thời kỳ mới” nhằm hoàn thiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Việc cấp phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều “kẽ hở”. (Ảnh minh họa).
Còn nhiều bất cập
Hiện nay, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Ghi nhận từ đầu năm 2017 công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Trong đó, thông qua Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ VHTTDL đã bỏ bớt những thủ tục hành chính rườm rà đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi pháp luật và công tác quản lý.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử như như việc cấp giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang chủ yếu thực hiện trên hồ sơ, không thực hiện thẩm định nội dung chương trình. Cùng với đó, công tác kiểm tra, hậu kiểm còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, một số điều khoản chưa phù hợp với thực tế. Tình trạng một số đoàn nghệ thuật đến các cơ quan, trường học thường xuyên nài ép, vận động mua vé xem biểu diễn gây bức xúc. Một số quán cà phê mời ca sỹ về hát dưới hình thức giao lưu với khán giả “hát cho nhau nghe” không bán vé nhưng thực chất phụ thu vào tiền nước của khách với giá cao và khi tổ chức thường không thông báo theo quy định…
Báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: Hiện còn khá phổ biến tình trạng ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Một số đơn vị biểu diễn không có giấy phép, tự thay đổi nội dung biểu diễn, ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ, các đơn vị mạo danh, sử dụng không đúng tên, nghệ danh của nghệ sĩ... nhằm lừa gạt khán thính giả, tình trạng “nhạc chế” sử dụng ca từ dung tục gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, trong thời gian dài vừa qua, nhiều ý kiến phản ánh và đề nghị có biện pháp chấn chỉnh các tiết mục biểu diễn trong các chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là các chương trình hài có nội dung phản cảm, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Sửa đổi để thích ứng
Có thể thấy, các chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dù đã được sửa đổi, hướng dẫn những khi áp dụng vào thực tế vẫn còn kẽ hở để “lách luật”. Đơn cử, theo quy định, các chương trình không bán vé thu tiền thì không phải duyệt, cấp giấy phép và phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở VHTTDL nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày biểu diễn. Thế nhưng hầu hết các chương trình biểu diễn này đều không thực hiện theo đúng quy định, không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, việc quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT tổ chức thẩm định hồ sơ, trình UBND cấp tỉnh cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại địa phương. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Nhưng không quy định rõ cơ quan nào “Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT” hay “UBND cấp tỉnh” trả lời trong “trường hợp không cấp giấy phép”.
Cùng với đó, về quy định thời hạn có hiệu lực của giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, trong thời gian vừa qua, một số Đoàn nghệ thuật, cá nhân, nghệ sĩ có ý kiến phản ảnh việc phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép hằng năm cho các vở diễn sân khấu đã được cấp phép biểu diễn trước đó là “phức tạp, vất vả”. NSND Nguyễn Hương Thơm- phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ: “Những vở diễn mang tính kinh điển của các Nhà hát truyền thống đã được biểu diễn qua bao nhiêu năm từ thế hệ các bậc tiền bối thì có nên phải cấp giấy phép hay không và nếu cấp thì nên cấp một lần và tính pháp lý của nó sử dụng lâu dài”.
Ông Lê Minh Tuấn- phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cũng bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách cho đến việc áp dụng, thực thi chính sách vào thực tiễn đời sống; nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; xu hướng, phong cách thưởng thức nghệ thuật của một công chúng, khán giả...
Theo ông Tuấn, trước đây Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định Giấy phép cấp cho các chương trình, vở diễn sân khấu không có thời hạn. Tuy nhiên trong thực tiễn phát sinh những vấn đề bất cập. Như có những tổ chức đã giải thể, ngừng hoạt động nhưng do giấy phép vẫn có hiệu lực nên vẫn giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng đi tổ chức biểu diễn dẫn đến một số vi phạm, không đảm bảo về mặt nội dung, chất lượng nghệ thuật; Nhiều đơn vị nghệ thuật đổi tên, sát nhập nhưng vẫn sử dụng giấy phép với tên gọi cũ mang đi tổ chức biểu diễn gây nhầm lẫn.
“Do không quy định thời hạn có hiệu lực của giấy phép nên mỗi địa phương khi cấp phép lại quy định thời hạn có hiệu lực khác nhau, nơi 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng hay 1 năm…”- ông Tuấn cho hay.