Để thu hút được nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngành Hải quan cam kết: Hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục, giảm thời gian thông quan.
Ngành hải quan đứng trước áp lực phải giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục thông quan.
Giảm thời gian thông quan
Ngày 28/5, tại TP HCM, Tổng cục Hải quan đã tổ chức buổi tọa đàm Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP. Theo dự báo, khi thực hiện CPTPP chắc chắn GDP của Việt Nam tăng lên, đặc biệt kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng từ 3,8 – 4,04%. Khi tham gia CPTPP, việc xuất khẩu hàng hóa sang 10 nước thành viên CPTPP khác sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Chẳng hạn Australia mở 93% dòng thuế cho Việt Nam, Nhật Bản mở 95% dòng thuế... Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như thủy hải sản, dệt may, da giày, nông sản... Đây là cơ hội vàng để hàng Việt Nam vươn ra biển lớn nhưng ở chiều ngược lại, hàng Việt Nam cũng phải chạy đua với hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Để thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo CPTPP, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn. Trước mắt là biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.
Đánh giá cao hiệu quả kinh tế mà CPTPP mang lại, song không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM phân trần: “Chúng tôi đang áp lực về cải cách hành chính với Chính phủ. Làm sao để giảm thời gian, giảm thủ tục để hàng hóa được thông quan nhanh nhất nhằm tận dụng những lợi thế ở các hiệp định thương mại. Hiệp định khác nhau hàng hóa sẽ có những biểu thuế, quy định khác nhau. Như vậy, có quá nhiều việc phải làm dẫn đến khó giảm thời gian thông quan. Chúng tôi nhận thấy, thủ tục càng đơn giản sẽ càng dễ thực hiện”. Mong tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TP HCM đang phối hợp Tổng Công ty Tân Cảng thực hiện thông quan hàng hóa tại cảng cho doanh nghiệp đã thông quan trên hệ thống. Triển khai như trên giúp doanh nghiệp không tốn tiền bốc container lên xuống bãi, không tốn tiền lưu kho, giảm lượng hàng tồn kho 10% so với trước đây.
Theo ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, mở cửa hội nhập để phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng đối mặt với những cạnh tranh hết sức gay gắt về xuất nhập khẩu hàng hóa. Ông Thái cho rằng, thực hiện CPTPP, quan điểm của ngành hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019 - 2022. Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng 3 năm. Mặc khác, vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng.
Đơn giản chứng nhận xuất xứ
Ngoài vấn đề về biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, phía Tổng cục Hải quan cũng hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. Trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP. Tổng cục Hải quan hướng đến thủ tục chứng nhận xuất xứ được đơn giản hóa. “Lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một Hiệp định thương mại tự do mà xuất xứ hàng hóa có thể được nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu tự chứng nhận” – ông Nguyễn Dương Thái nhận định.
Ngành hải quan đang nỗ lực đơn giản thủ tục và thời gian thông quan.
Theo Tổng cục Hải quan, từ trước đến giờ giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất ra hàng hóa. Với CPTPP, cách tiếp cận đơn giản hơn, nhà nhập khẩu được phép chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở thông tin hàng hóa do nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cung cấp. Tuy nhiên, chứng nhận xuất xứ của nhà nhập khẩu sẽ không được áp dụng cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tối đa 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực. “Đây là một cách tiếp cận thận trọng được thiết kế để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời chống lại tình trạng sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ giả trong thời gian Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước” – lãnh đạo Tổng cục Hải quan nêu quan điểm.
Bàn về chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu, ông Lương Hoàng Thái -Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, theo cam kết trong CPTPP, người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đối với Việt Nam, quy định này được áp dụng một số thời gian chuyển đổi. Đơn cử, đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam được bảo lưu và chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với hàng xuất khẩu, Việt Nam được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức. Thứ nhất là cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống. Thứ hai, người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn 2019-2022. Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC về Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo CPTPP (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019). Biểu thuế sẽ có lộ trình 4 năm, từ 2019-2022, đây là khoảng thời gian tương đối hợp lý cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần lưu ý xem nước mà mình xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá đã thực thi hiệp định CPTPP hay chưa. Đến thời điểm hiện tại, ngoài Việt Nam thì mới chỉ có 6 nước phê chuẩn và thực thi hiệp định này. Do đó, các doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với 6 nước này. Trong thời gian tới, nếu có thêm các nước khác phê chuẩn và thực hiện CPTPP thì Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình đối với các nước này. Thúy Hằng |
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, CPTPP với 11 nước thành viên tham gia đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019 và hiệu lực chung cho 11 nước từ đầu tháng 3/2019. Cam kết của Việt Nam về thuế nhập trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình. Theo lộ trình, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. |