Bộ GDĐT vừa cho phép điều chỉnh một số ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều. Theo đó, so với tài liệu nhà xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đăng tải ngày 14/11 để xin ý kiến dư luận, tài liệu lần này được Bộ GDĐT phê duyệt có một số điểm khác. Cụ thể, về ngữ liệu, có 12 bài đọc được thay thế.
Thay thế các bài đọc bộ Cánh diều
Trước đó, ở tài liệu xin ý kiến chỉ có 11 bài được ghi là “bài đọc bổ sung” chứ không phải “thay thế”. Ngoài ra, còn có điều chỉnh từ ngữ ở 14 trang sách.
Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều câu, từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ, chẳng hạn “thở hí hóp”, “hí hóp”, “bê be be”, “ngủ”, “tivi”, “kêu”. Một số từ được thay thế như trong câu “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” được điều chỉnh thành “có kẻ đã tha gà nhí đi”; câu “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” thay bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia”; câu “Giữa trưa, chị quạ “quà quà”, “A, anh thỏ thua rùa” thay bằng “Giữa trưa, rùa đã bỏ xa thỏ. Thỏ thua rùa”. Câu “Tổ của nó nhỏ như hộp diêm mà đẹp” được thay bằng “Tổ của nó nhỏ mà đẹp lắm”; câu “Cả xóm ồ ra, nom rõ quạ tha gà nhép” được thay bằng “Cả xóm ùa ra, quạ sợ quá”...
Ở phần bài đọc thay thế, phần 1 bài tập đọc Ve và gà được thay bằng bài Bờ hồ, còn phần 2 được thay bằng bài Chăm bà. Bài Quạ và chó được thay bằng bài Phố Thợ Nhuộm. Bài Cua, cò và đàn cá (cả 2 phần) được thay bằng 2 bài đọc khác là Kết bạn và Hồ sen.
Phần 1 và 2 của bài Hai con ngựa có thể thay bằng 2 bài Gà mẹ, gà con và Sáng sớm trên biển. Hai phần bài đọc Lừa, thỏ và cọp được thay bằng 2 bài Hạt giống nhỏ (dự thảo đưa ra xin ý kiến góp ý là bài Bạn của Hà) và Ông bà em. Với SGK tiếng Việt tập 2 của bộ sách này cũng có 2 bài được đưa vào tài liệu bổ sung, chỉnh sửa là Mưa và Lịch bàn…
Như vậy, ở tài liệu được phê duyệt, có thêm một bài đọc trong SGK được thay thế so với dự thảo công bố trước đó là bài Lỡ tí ti mà, bài này tài liệu điều chỉnh thay bằng bài Nhớ bố.
Trước đó, khi dự thảo tài liệu điều chỉnh được công bố, nhiều ý kiến đã góp ý với mong muốn các bài đọc sẽ hay hơn, dễ đọc, dễ nhớ hơn như những bài tập đọc ngày xưa trong SGK. Tuy nhiên, tài liệu chính thức ban hành cho thấy sự điều chỉnh là không nhiều (như một số chi tiết đã kể trên).
Lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho rằng: Từ dự thảo 1 đến dự thảo trình lãnh đạo Bộ GDĐT phê duyệt đã cho thấy một thái độ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những góp ý xác đáng của các nhà khoa học và dư luận xã hội.
Những góp ý dựa trên mong muốn từ nhiều góc độ khác nhau, còn Hội đồng thẩm định và Bộ GDĐT sẽ thẩm định và phê duyệt dựa trên sự tôn trọng về nguyên tắc học âm, học vần của chương trình môn tiếng Việt lớp 1, đảm bảo được mục tiêu của tài liệu hướng đến, yêu cầu cần đạt của học sinh khi học tài liệu này.
Cần sửa sớm những bộ còn lại
Việc Bộ GDÐT yêu cầu NXB ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh khẩn trương cung cấp tài liệu điều chỉnh của sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi 4 bộ SGK lớp 1 do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và xuất bản, vốn rất nhiều “sạn”, lỗi lại không phải điều chỉnh ngay khiến nhiều cả phụ huynh và chuyên gia giáo dục bức xúc.
Bởi thời điểm này gần kết thúc học kì I nhưng học sinh và giáo viên vẫn phải dùng sách có “sạn” vì các đơn vị này vẫn chưa công bố công khai kết quả thẩm định, phê duyệt nội dung chỉnh sửa SGK mới để xin ý kiến đóng góp của dư luận như bộ Cánh diều đã làm.
Trước những băn khoăn này, đại diện truyền thông của NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này đã báo cáo Bộ GDĐT về phương án chỉnh sửa 4 bộ SGK của đơn vị này và vẫn đang trong thời gian chờ đợi hướng dẫn từ Bộ GDĐT.
Được biết trước đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ GDĐT những điểm xin được chỉnh sửa trong 4 bộ SGK lớp 1 do đơn vị này phát hành. Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ chỉnh sửa cả 4 bộ SGK trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021- 2022, thay vì in tài liệu gửi về địa phương như bộ SGK Cánh diều.
Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, để có “sạn” trong SGK, NXB Giáo dục Việt Nam và các tác giả phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn những điểm chưa chuẩn xác, thay bằng ngữ liệu hoặc nội dung nào…, chuyển về ngay các cơ sở giáo dục đang sử dụng sách. Việc này cần làm càng sớm càng tốt, nếu chậm trễ sẽ là không công bằng với học sinh, nhất là học sinh lớp 1- nhóm tuổi đang cần được thụ hưởng những gì tốt nhất trong chăm sóc và giáo dục.
Chung quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định, một nguyên tắc cơ bản là SGK phải được thẩm định chặt chẽ, không có lỗi rồi mới công bố để người dùng lựa chọn. Nhưng nếu đã để xảy ra lỗi và phát hiện ra sau khi sử dụng, phải chỉnh sửa và thẩm định lại ngay lập tức, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.