Thông tin mạng 5G được khai thác thương mại hồi đầu tháng 10 không quá thu hút sự chú ý người dùng thông thường, một phần vì mạng 4G vẫn đang đem lại những trải nghiệm “hợp túi tiền”. Nhưng sứ mệnh của mạng 5G mang trọng trách to lớn hơn so với những trải nghiệm thông thường, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, xây dựng xã hội số, kỷ nguyên thông minh tại Việt Nam.
Mô tả một cách dễ hiểu hơn về ứng dụng của mạng 5G: "Mạng 2G hướng tới mục tiêu mỗi người dân sở hữu một điện thoại di động, 4G là mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh, còn 5G sẽ hướng đến mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ - siêu kết nối".
Theo Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng toàn bộ các thành phố lớn, khu công nghiệp, sân bay và cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Năm 2030, mục tiêu là 99% dân số Việt Nam được tiếp cận với mạng 5G. Ngoài ra, Việt Nam cũng phấn đấu trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things).
Tuy nhiên, nói vậy không phải người dùng chưa được hưởng lợi tức thì. Bạn Trường Giang (Hà Nội) cho biết: Tôi đã được trải nghiệm 5G. Có thể nói là quá khác biệt so với 4G. Đặc biệt là công ty tôi có đặc điểm hàng ngàn người sử dụng trong một khu vực nhỏ. Bình thường sóng rất yếu nhưng khi có sóng 5G thì “căng đét”.
Về phía người dùng, nhiều người dùng tại các quận, huyện trung tâm đều có phản hồi tích cực đối với trải nghiệm sử dụng mạng 5G. Anh Michael Chiêu (quận 12 TP HCM) cho biết: “Mình đã đăng ký thử gói cước 150.009 đồng/tháng, tốc độ download nhanh nhất gấp khoảng 2 - 3 lần so với 4G, còn tốc độ tải lên thì không thấy tăng nhiều. Tuy nhiên các bạn có thể chơi game online, xem video 4K mượt mà hơn, xem livestream, youtube hay là Netflix cũng sẽ ít bị giật hơn. May nhất là mức độ hao pin cũng vẫn tương đương như 4G".
Tại Hà Nội, chị Quỳnh Thơ (Hàng Bồ, Hà Nội) chia sẻ: "Mình đã thử đi nhiều địa điểm, thì các quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai đều đã có sóng 5G rồi. Tốc độ mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhìn chung, mình online, lướt web, xem phim thì thấy tốc độ 5G khá ổn. Ví dụ như khi mình lên Facebook, xem Tiktok hoặc muốn tua nhanh video trên Youtube thì không bị lag. Đối với người một vlog như mình, tốc độ mạng như thế này rất lý tưởng, đáp ứng nhu cầu livestream ở nhiều nơi của mình. Thậm chí, mình đã thử nghiệm, ở khu vực Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, tốc độ đạt gần 500 MB/s, một tốc độ cực kỳ cao mà trước đây rất hiếm đạt được với 4G.”
Anh Hoàng Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) so sánh sau khi trải nghiệm dịch vụ 5G cho biết: Nếu thời gian để tải bộ phim dài 2 giờ với mạng 4G phải mất 8-10 phút thì với mạng 5G chỉ mất chưa đầy 10s.
Trong khi đó nhiều ý kiến người dùng thông thường cho rằng với mạng 4G đã đủ, chưa cần thiết trải nghiệm 5G nếu gói cước cao hơn. Anh T.D cho biết: “Nhu cầu chỉ đọc báo, zalo, FB nên chỉ cần đến 4G.”
Có lẽ vì giá gói cước đang cao nên chưa thực sự hấp dẫn người dùng số đông. Tuy nhiên, theo dự báo giá cước mạng 5G sẽ khó để giảm do chi phí đầu tư lớn. Và hiện tại, những người cần sử dụng tốc độ siêu cao, với dung lượng cực lớn mới cần đến tốc độ 5G.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Mặc dù từng có nhiều ý kiến không tin Việt Nam có thể làm được. Tuy nhiên, các nhà mạng đang đối mặt với thách thức lớn về chi phí đầu tư và khả năng sinh lợi.
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư, cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, triển khai 5G không chỉ là vấn đề công nghệ đã sẵn sàng hay chưa, mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống sao cho hiệu quả.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đã khẳng định: Một tương lai mới của di động Việt Nam đã chính thức bắt đầu từ hôm nay. Kỳ vọng nhưng cũng đồng nghĩa với việc kể cả Viettel là người tiên phong, nắm bắt và phát triển công nghiệp đi kèm rồi, bao gồm công nghiệp về trạm, công nghiệp 5G và các thiết bị thì cũng sẽ phải đứng trước những thách thức rất lớn.
Quyết định tắt sóng 2G cùng những giải pháp hỗ trợ là quyết định đúng đắn. Không đơn thuần chỉ là chuyển hóa nên sử dụng các công nghệ mới mà đây chính là việc tận dụng tài nguyên số một cách hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp ứng dụng mạng 5G, theo ông Tống Xuân Hồng, Giám đốc CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef), mặc dù mạng 5G đem lại nhiều cơ hội phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh… cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô không lớn, cơ sở hạ tầng, máy móc của nhiều đơn vị còn lạc hậu. Vì vậy, chi phí đầu tư về hạ tầng là rất lớn. Đơn cử như một con robot tự động trong sản xuất có giá lên đến vài tỷ đồng, ngay cả những công ty lớn như Vinfast cũng chỉ có vài con. Do đó, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đầu tư. Đối với các doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên nền 5G thì nên hợp tác với các tập đoàn lớn để có đủ nguồn lực phát triển.”
Sau 4 năm nghiên cứu và chỉ 6 tháng sau khi được cấp giấy phép, nhà mạng đầu tiên của Việt Nam đã có thể thương mại hoá mạng 5G, chứng minh năng lực chuyển đổi số, năng lực ứng dụng công nghệ mới và năng lực tiếp cận công nghệ cập nhật và tiên tiến nhất. Đồng thời cũng chứng minh thị trường Việt Nam đã là một nơi có thể dần bắt kịp thế giới, với đầy đủ hạ tầng tương đồng với xu hướng hội nhập thế giới, tạo ra sự hấp dẫn thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác.
Ông Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng CMC, Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông Trường Đại học CMC, cho rằng, một số nhóm doanh nghiệp hiện nay nên tận dụng lợi thế của công nghệ di động không dây hiện đại này, nhất là khi đa số điện thoại thông minh trên thị trường vài năm gần đây đề đã hỗ trợ 5G. Các nhóm công ty đó, trước tiên có thể kể đến những doanh nghiệp làm về viễn thông, truyền thông, giải trí, thương mại điện tử, có thể tận dụng tốc độ cao của mạng 5G và cung cấp các sản phẩm, giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông về Chiến lược cơ sở hạ tầng số quốc gia, đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố; các khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; khu công nghiệp; nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G, đến năm 2030 thì sẽ phủ sóng 99% dân số. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100Mbps.
Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đang dần bước vào guồng của cuộc đua chuyển đổi số, và tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới. Vì vậy, thương mại hóa 5G đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số của các đơn vị này.
Đơn cử như các tổ chức tín dụng, mạng 5G với tốc độ cao, khả năng truyền tải lớn cho phép các ngân hàng số cung cấp dịch vụ trực tuyến một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt là trong những giao dịch thời gian thực như thanh toán điện tử và chuyển khoản. Bên cạnh đó, 5G tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng số ứng dụng, kết nối, tích hợp các nền tảng công nghệ mới, tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain. Từ đó, phát triển các dịch vụ tài chính thông minh, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và tăng cường bảo mật giao dịch.
Đối với các doanh nghiệp sở hữu và hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung cấp và hỗ trợ thanh toán điện tử, mạng 5G có thể giúp các doanh nghiệp này trong cải thiện hiệu quả việc xử lý và xác nhận các hợp đồng điện tử, bao gồm cả hợp đồng chứng thực chữ ký số và hợp đồng thông minh (smart contract) ứng dụng blockchain. Đặc biệt là khi Việt Nam đang nỗ lực trong cuộc đua chuyển đổi số, ứng dụng hợp đồng điện tử để nắm bắt các cơ hội kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nói riêng và trên môi trường mạng nói chung.
Nhóm thứ hai cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội chuyển đổi là những doanh nghiệp có nền tảng về IoT, như giải pháp cho các hệ thống công nghiệp thông minh hoặc thành phố thông minh, thiết bị tự lái hay nông nghiệp công nghệ cao, có thể kết nối hàng triệu thiết bị thông minh. Trước đây chúng ta vẫn thường thấy hiện tượng nghẽn mạng khi số lượng người dùng tập trung lớn, nhưng với mạng 5G hiện nay, có thể hoàn toàn đáp ứng được số lượng người dùng truy cập cùng lúc rất lớn.
Các lĩnh vực này đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng mạng 5G đem lại hiệu quả cao như ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh hoặc điều khiển các thiết bị tự lái, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác mỏ, nhằm giảm thiểu số nhân công, tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường.
Sự phát triển của 5G không chỉ hỗ trợ các hoạt động kinh tế mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của con người thông qua việc tạo ra các dịch vụ kết nối thông minh, đặc biệt trong giáo dục và y tế. Các dịch vụ này giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực và đảm bảo mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ quan trọng, minh bạch và công bằng hơn cho toàn bộ dân số.
Không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công, 5G còn tạo nền tảng cho các dịch vụ mới dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình số hóa trong sản xuất và quản lý. “Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, 5G sẽ cải thiện quy trình tự động hóa, tăng cường hiệu suất và tạo điều kiện cho việc triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT)”, theo ông Scott Minehane, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
“Về tổng thể, mạng 5G hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, không chỉ trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ số trong tương lai”.
Ông Thiều Phương Nam, TGĐ Quanlcomm VN cho biết: “Kinh nghiệm và thực tiễn ở nhiều quốc gia đã triển khai 5G trong vài năm qua, sự xuất hiện của 5G sẽ tạo ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, những nguồn thu mới cho các nhà mạng. Các thế hệ băng tần trước kia 3G, 4G chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại, dữ liệu di động. Nhưng 5G với những tính năng đột phá như tốc độ trao đổi thông tin lớn, độ trễ thấp và đặc biệt khả năng kết nối thiết bị IoT phục vụ công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh.
Theo dự báo phân tích đánh giá tác động của công nghệ 5G đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung mà Qualcomm đã hợp tác thực hiện, đến năm 2030, 5G sẽ giúp kinh tế thế giới tăng giá trị khoảng 350 tỷ USD và tạo ra khoảng 35 triệu việc làm mới. Tất nhiên, chúng tôi không có những con số phân chia tác động theo từng quốc gia, nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng triển khai công nghệ 5G tới kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn.
Về tác động trực tiếp, các nhà mạng sẽ có những đầu tư mới, cần nguồn lực mới để triển khai và vận hành hạ tầng 5G. Nhưng quan trọng là tác động của công nghệ 5G đến sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác tại Việt Nam.
“Như tôi chia sẻ để triển khai những dự án công nghiệp 4.0, muốn xây dựng những sân bay thông minh hoặc hệ thống cảng biển thông minh,... đều cần hạ tầng 5G. Cho nên tôi nghĩ tác động của hạ tầng mạng 5G đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn”, ông Nam cho biết.
Động lực cho các sản phẩm công nghệ số “Made in Vietnam”
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết đã tìm kiếm được 234 sản phẩm công nghệ số "Made in Vietnam", thể hiện sự sẵn sàng của các sản phẩm trí tuệ, khoa học công nghệ số của Việt Nam để cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi số có 3 giai đoạn: (1) số hóa dữ liệu, thông tin, trạng thái của doanh nghiệp/cơ quan; (2) tự động hóa quy trình; và (3) chuyển đổi toàn bộ hoạt động lên môi trường mạng, với vai trò quyết định của lãnh đạo.
Ông Chu Xuân Hợi, Kiến trúc sư Giải pháp điện toán đám mây của Tập đoàn công nghệ CMC, chỉ ra một số thách thức như: Trình độ, kỹ năng về nhận thức, bảo mật của nhân viên chưa đáp ứng; Rủi ro tấn công bằng kỹ thuật xã hội do người dùng truy cập không kiểm soát; Lỗ hổng bảo mật do sử dụng mật khẩu yếu; Chiến lược an ninh của tổ chức, doanh nghiệp chưa chuẩn bị ứng phó đầy đủ với các sự cố.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định: Kết quả của ngành công nghiệp số Việt Nam là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc sáng tạo sản phẩm, dịch vụ; Phát triển công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đã xác định là công nghiệp mũi nhọn, trở thành động lực phát triển đất nước trong thời đại mới. Mong muốn sẽ có nhiều sản phẩm xuất sắc trong những năm tiếp theo.