Chờ đột phá

Hà Giang 12/08/2016 11:05

Sau nhiều năm đổi mới và sắp xếp lại, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển chưa được như kì vọng. Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất… vẫn đang là thực trạng đáng lo ngại. Hiện nay số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 1,13% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Thời gian tới, để doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này phát triển, cần có những chính sách “cởi mở” hơn nữa.

Theo đánh giá chung, trong nông nghiệp, nếu nói về khối sản xuất nguyên liệu thì nông dân làm rất tốt, nhưng khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa theo kịp nên làm giảm hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, trong thời gian tới, để giải quyết được nhược điểm này, chúng ta cần tập trung cao hơn cho lĩnh vực chế biến và tiêu thụ. Mà để phát triển chế biến, phát triển tiêu thụ một cách có hiệu quả thì cần có nhiều doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp và doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua các tổ chức đại diện của mình mới có thể làm cho nông nghiệp của nước ta gắn kết hơn với thị trường và làm gia tăng giá trị của các loại nông sản, đem lại hiệu quả cao hơn cho nông dân cũng như cho nền nông nghiệp nước ta.

Giải quyết được mối hài hòa, gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và người nông dân này, không những sẽ nâng cao giá trị cho nông nghiệp mà còn được xác định là một trong những khâu quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này là hết sức cần thiết, tuy nhiên, để liên kết thành công, trước hết phải có các đối tác mạnh bao gồm không chỉ các hộ gia đình nông dân mà phải có nhiều hơn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời phải hình thành các tổ hợp tác, các HTX để làm đầu mối kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

Được xác định là quan trọng như vậy, tuy nhiên hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta còn rất khiêm tốn. Để hạn chế vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã xác định phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong thời gian vừa qua các ngành thuộc lĩnh vực này đã tập trung chỉ đạo tất cả các cơ quan thuộc bộ rà soát tất cả các khâu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Riêng về thủ tục hành chính, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo phải rà soát, loại bỏ, đơn giản hóa giảm đến mức tối thiếu chi phí về thời gian, công sức, về tiền bạc cho các hoạt động của các doanh nghiệp. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tin học, rà soát các loại phí, lệ phí để chuẩn bị thực hiện theo tinh thần của Luật mà Quốc hội sẽ ban hành. Đẩy nhanh việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cùng Tổng cục Hải quan xây dựng hệ thống hải quan một cửa. Ban hành những bảng thuế rõ ràng, kèm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Để thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, không chúng ta đã ban hành không ít chính sách, trong đó đáng chú ý nhất là Nghị định 210, Quyết định 68 và nhiều quyết định…

Tuy nhiên đến nay, theo đánh giá, có những chính sách doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Nhiều chính sách hiện chưa thực sự đáp ứng sát yêu cầu của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ đột phá