Trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thực sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống.
Hàng triệu lao động được hỗ trợ
Đánh giá việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua, báo cáo Bộ LĐTBXH cho biết, sau hơn 11 năm thực hiện chính sách BHTN, số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm, vượt so với dự kiến và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2009, mới có hơn 5,9 triệu người tham gia BHTN; năm 2015 - năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực, đã có trên 10,3 triệu (tăng 11,8% so với năm 2014); năm 2016, có trên 11,6 triệu người tham gia (tăng 7,3% so với năm 2015); năm 2017, có hơn 11,77 triệu người tham gia (tăng 8,1% so với năm 2016); năm 2018, có 12.680.173 người tham gia (tăng 7,7% so với năm 2017); năm 2019 có 13.429.401 người tham gia; đến hết tháng 10/2020, đã cán mốc 13,04 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 26,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia.
Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm và tính đến thời điểm năm 2019, tổng số tiền thu BHTN là 17.405 tỷ đồng. Đặc biệt trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua, nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Chính sách BHTN đã đóng vai trò nổi bật, giúp lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31/10/2020, riêng Quỹ BHTN đã chi trực tiếp hơn 12.900 tỷ đồng cho người lao động (NLĐ) và dự kiến hết năm 2020 có thể sẽ có hơn 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ NLĐ; hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, có thể thấy, vai trò Quỹ BHTN ở tất cả các quốc gia trên thế giới cả về mặt lý luận và thực tiễn đều đã khẳng định rõ, không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là hỗ trợ NLĐ thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động.
Cần có giải pháp mở rộng độ bao phủ
Những con số trên cho thấy vai trò của quỹ BHTN đối với NLĐ là rất lớn, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều NLĐ chưa thực sự hiểu đúng được giá trị của chính sách này. Đây cũng chính là lý do NLĐ không giám sát, không lên tiếng khi doanh nghiệp, người sử dụng lao động không đóng quỹ BHTN. Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ngắn, được phản ánh số chi các chế độ BH thất nghiệp so với số thu quỹ BHTN trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30%.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 90%. Cụ thể, số hưởng BHTN đến tháng 10/2020 là 15.129 tỷ đồng, nhưng tính đến hết ngày 31/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho 881.895 người với số tiền chi trả là 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019. 10 tháng năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, hiện quỹ BHTN dù có sự tăng trưởng nhanh qua các năm nhưng tính đến tháng 10/2020, số người tham gia BHTN trên toàn quốc mới dừng lại ở con số 13,03 triệu người - con số này còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi ở nước ta. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ, để BH thất nghiệp có thể hỗ trợ được thêm nhiều người lao động hơn nữa.
“Đơn cử như ngành Du lịch đang chịu sự tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, ước tính du lịch Việt Nam thất thu tới 23 tỷ USD, ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 870.000 lao động. Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực này, hiện chủ yếu theo hình thức hợp đồng đại lý, không thuộc đối tượng tham gia BHTN nên không đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Đây chính là “khoảng trống” cần được “lấp đầy” trong tương lai của chính sách BHTN, nhất là với những ngành nghề người lao động dễ bị tổn thưởng do dịch bệnh, thiên tai” - ông Thọ nhấn mạnh.
Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khi mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng 4 chế độ gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.