Chợ quê ra đời cùng với sự hình thành làng xã. Ở đâu có cư dân sinh sống thành cộng đồng ở đó sinh ra chợ.
Chợ làng vẻ đẹp duyên quê dung dị.
Chợ là nơi giao thương hàng hóa và dịch vụ giữa kẻ mua người bán và cũng là chỗ trao đổi sản phẩm theo nhu cầu thị hiếu của con người.
Chợ là địa điểm quảng bá tiêu thụ sản vật sản phẩm làm ra, là nơi mua về những đồ dùng vật dụng cần thiết trong đời sống và sản xuất. Chợ quê thường ở nơi thuận tiện nhất cho việc giao thương, cận giang cận lộ. Chợ gần đường, chợ gần sông là nơi lí tưởng cho họp chợ.
Chợ làng vẻ đẹp duyên quê dung dị
Ở đồng bằng, duyên hải trung du đâu đâu cũng có chợ làng. Nơi ấy người mua kẻ bán đều thân mật, gần gũi ấm áp tình quê. Chợ hôm họp vào lúc trời ngả về chiều. Còn chợ phiên theo chu kỳ nơi thì cách ba, nơi thì cách năm, cách bảy ngày mới tới một lần họp chợ. Chợ quê thường có hàng nước, hàng rau, hàng cá, hàng xén, hàng nan, hàng sành, hàng sắt… Mua bán ở chợ dù có nói thách, mặc cả nhưng dễ thuận mua vừa bán, không chèn hàng ép giá. Xưng hô trong chợ quê không xô bồ băm bổ mà nền nã, mặn mà, coi trọng cái duyên bán hàng.
Người đi chợ quê để mang về nhà mình cái ngọt bùi, tươi rói, thơm thảo, đậm đà hương vị làng quê. Đi chợ quê cũng là để cởi mở chào hỏi giao đãi với người trong làng ngoài ngõ. Chính vì lẽ đó cho nên chợ làng quê giữ được bản sắc tốt đẹp của các làng Việt.
Chợ vùng cao duyên núi duyên trời
Ở vùng núi hiếm có chợ hôm thường nhật như ở vùng xuôi. Chợ vùng cao phần nhiều là chợ phiên đến hẹn lại lên. Chợ không bó hẹp trong một buôn, một bản mà là nơi mua bán của cả một xã, một cụm làng xã. Ngoài phiên chợ chính họp buổi sớm thì chiều và tối ngày hôm trước thường có phiên chợ đón để đón người, đón hàng về chợ. Người đi chợ thường mặc đẹp như đi hội.
Không gian chợ được mở rộng, thời gian chợ được giãn ra cho nên chợ vùng cao thường phong phú về nội dung và hình thức giao lưu hàng hóa và pha trộn yếu tố giao lưu văn hóa tình cảm. Có rất nhiều người đi chợ vùng cao không vì mục đích mua hàng hóa mà theo họ đi chơi chợ, thưởng thức sinh hoạt văn hóa chợ là chính.
Vẫn có những hàng nước, hàng quà, hàng rau củ quả, hàng thịt cá, hàng xén… như chợ vùng xuôi. Nhưng ở chợ miền núi có thêm nhiều thứ lạ như sản vật hái lượm trên rừng, trên nương, ngoài vườn, sản phẩm thổ cẩm dệt nhuộm may thêu, sản phẩm chăn nuôi gia cầm, gia súc… Đặc biệt món ăn thức uống trong chợ rất hấp dẫn du khách.
Ở chợ có khi còn xuất hiện những tiết mục ca hát múa khèn, thổi sáo, đàn môi và vui chơi bè bạn. Nhất là từ đêm chợ đón, trai gái dập dìu giao duyên hát ví tìm bạn rất chân thật chất phác bản sắc vùng cao. Nhờ lứa đôi nên duyên nhờ phiên chợ. Đúng là phiên chợ duyên núi duyên trời.
Chợ nổi nét duyên miền sông nước
Nhiều nơi ở miền Tây Nam Bộ và một số vùng sông nước khác có những phiên chợ họp ở trên sông người mua người bán đều đi thuyền, ghe, xuồng. Chợ họp có phiên nhưng tấp nập nhất vào sáng sớm. Những ghe xuồng chở nặng sản vật miệt vườn sông nước từ muôn ngả tụ về. Người đi mua hàng cũng từ mọi nẻo đến, xuống thuyền đi chơi, đi xem, đi mua hàng chợ nổi. Không chỉ có hàng hóa mà nhiều dịch vụ cũng bung ra từ chợ phiên miền sông nước. Đó là các hàng ăn quà, bánh trái, các món ăn đặc sản thiết đãi nhau. Đó là các tiệm hớt tóc, làm đầu, may vá cũng sẵn sàng phục vụ trên ghe xuồng.
Người bán, người mua đều mang dấu ấn của con người vùng sông nước sôi động và lắng sâu, thật thà và dung dị. Tiếng chào hỏi mua bán hòa trong tiếng sóng nước dạt dào. Đâu đó cũng văng vẳng câu hò điệu lí ấm áp thiết tha đầy ắp nét duyên rất riêng của cư dân miệt vườn sông nước.
Chợ làng quê, nét duyên quê đẹp vậy. Đó không chỉ là không gian thương mại mà còn chứa đựng cả không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền, dễ khai thác thành những sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo. Xin đừng để mất đi chợ quê bởi nếu mất chợ là mất đi một phần nét duyên quê đằm thắm dung dị tươi mát tình người. Xin đừng lạm dụng yếu tố siêu thị, trung tâm thương mại hay bán hàng trực tuyến mà làm mai một nét đẹp văn hóa thương mại chợ truyền thống, nét đẹp duyên quê.