Theo những bậc cao niên tại thôn Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa), nghề làm hương đã kéo dài tới nay được được hơn 300 năm. Thời kỳ cao điểm, có khoảng 2/3 hộ dân trong làng làm công việc này. Ảnh: Đình Minh. Trước đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về, về làng Đông Khê, đâu đâu cũng ngào ngạt mùi hương. Hiện nay, do thu nhập bấp bênh và người trẻ không theo nghề nên việc làm hương thủ công dần bị mai một. Ảnh: Đình Minh. Từ chỗ có gần 100 hộ (năm 2015), đến năm 2018, số hộ giảm còn 32, năm 2020 thì còn 16 và đến nay (cuối năm 2023) thì chỉ còn 1 hộ làm duy nhất gia đình ông Đoàn Văn Mậu (65 tuổi). Ảnh: Đình Minh. Ông Mậu chia sẻ, gia đình đã có 3 đời làm hương truyền thống, đến nay được truyền tới đời ông nhưng trong tương lai, con cái khó có thể theo nghiệp vì sự vất vả và thu nhập bấp bênh của nghề. Ảnh: Đình Minh. Cùng với đó, việc phải cạnh tranh với các cơ sở làm hương bằng máy cũng là một nguyên nhân khiến làng nghề dần lụi tàn. Tuy vậy, theo ông Mậu, việc làm hương thủ công vẫn có những nét riêng, khiến khách hàng nhớ rằng chỉ tại Đông Khê mới có. Ảnh: Đình Minh. Ông Mậu cho biết, hương Đông Khê được yêu thích vì sự đặc biệt bởi hương thơm trầm, nhẹ dịu, cháy hết nén và tàn hương vòng xoắn lộc. Hai loại hương nổi tiếng được sản xuất nhiều nhất là hương sào và hương trăm. Ảnh: Đình Minh. Nguyên liệu để làm que hương tại nhà ông Mậu là thân cây vầu và được gọt đẽo bằng tay rất tỉ mẩn. Ảnh: Đình Minh. Sau khi chẻ nhỏ và nhúng qua nước màu đỏ ở cuống hương, các bó que được buộc lại và phơi khô, sau đó tạm cất để chạy nhựa và nhúng bột. Ảnh: Đình Minh. Ông Mậu chia sẻ, gia đình thường sử dụng nhựa của cây trám để làm nguyên liệu. Nhựa cây này sau khi sơ chế được trộn với bột than đốt từ thân cây vừng, mía, lá chuối. Ảnh: Đình Minh. Hỗn hợp này được đưa vào máy xay nhuyễn, sau đó lăn đều lên thân cây hương. Ảnh: Đình Minh. Sau khi lăn nhựa, những người thợ tỉ mỉ dùng tay để lăn bột bài (loại bột tạo nên hương thơm của cây hương). Ảnh: Đình Minh. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Đây là nét đặc trưng riêng trong quy trình sản xuất mà gia đình ông Mậu tuân thủ, duy trì suốt nhiều năm qua. Ảnh: Đình Minh. Sau khi hoàn tất các công đoạn, các nén hương được mang đi phơi khô. Ông Mậu cho biết, nếu thời tiết thuận lợi thì ông phơi trong 2 ngày, sau đó mới đóng lại thành từng bó. Ảnh: Đình Minh. "Năm nay thời tiết hơi bất thường nên việc làm hương gặp nhiều khó khăn. Như những năm trước, gia đình xuất khoảng 500.000 que vào dịp Tết, nhưng năm nay khả năng sẽ chỉ khoảng 400.000 que mà thôi. 2 loại hương chủ lực vẫn như mọi khi, là hương tăm và hương sào", ông Mậu chia sẻ. Ảnh: Đình Minh. Về thị trường, sản phẩm của gia đình ôn Mậu hiện xuất đi nhiều tỉnh thành từ Bắc đến Nam như Đắk Lắk, Gia Lai, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh... Ảnh: Đình Minh. Ông Lưu Trọng Tài - Trưởng thôn Đông Khê cho biết: Vào năm 2015, làng hương Đông Khê đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là làng hương truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian, làng nghề dần lụi tàn và đến giờ chỉ còn mỗi gia đình ông Mậu là còn giữ được nghề. Ảnh: Đình Minh. Theo UBND xã Hoằng Quỳ, việc duy trì, giữ gìn được làng nghề hương Đông Khê trong giai đoạn này là rất khó vì năng suất thấp hơn làm máy rất nhiều. Nếu sau này gia đình ông Mậu 'nghỉ hưu', việc sản xuất hương trong làng có thể hoàn toàn biến mất. Ảnh: Đình Minh.