Văn hóa

Đau đáu ‘giữ lửa’ làng nghề truyền thống

Ngọc Anh - Thanh Phương 26/11/2023 09:56

Làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học ở phường Nam Hòa (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) hơn 300 năm tuổi đời đang phải đứng trước nguy cơ mai một khi người dân không còn mặn mà với nghề.

z4916225803732_6e18afca183b8d73eacca41eb933c137.jpg
tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style-4-.png

“Vào thời hoàng kim, nhà nhà đều làm nghề đan, hàng làm ra thậm chí không đủ bán. Còn giờ thì bỏ nghề hết rồi, chắc người làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay”, một người dân ở Làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học kể lại với sự tự hào đan xen nỗi niềm tiếc nuối.

Vào hơn 300 năm trở về trước, cụ Đặng Húy Đôn vốn người vùng Thanh Hà (Hải Dương) đã di cư đến đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) sinh sống và mang nghề đan lờ (một loại ngư cụ truyền thống) đến đây. Trải qua biết bao thăng trầm, Làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học dần được hình thành và phát triển với các sản phẩm phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản như các loại lờ, nơm, đụt, thuyền nan… Các sản phẩm của Làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học nổi tiếng bền, đẹp được làm từ tre, nứa lấy từ rừng già khu vực Vàng Danh (TP Uông Bí) và Hoành Bồ (nay thuộc TP Hạ Long). Nguyên liệu lấy về sẽ được pha thành những sợi dài, sau đó tùy thuộc dùng đan sản phẩm gì thì sẽ được xử lý thích hợp.

tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style-2-.png

Bằng sự tỉ mỉ từ khâu lựa chọn và xử lý các nguyên liệu cùng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làm nghề, các sản phẩm tại Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học từng một thời “nức tiếng gần xa” và được những người làm nghề chài lưới ở nhiều địa phương tìm mua, hàng làm ra không đủ bán.

Tuy nhiên, trong những năm gần đầy, nhu cầu thị trường không còn nhiều khiến những sản phẩm ngư cụ dần không còn chỗ đứng, buộc lòng người làm nghề phải chuyển sang những hình thức sản xuất, kinh doanh khác.

Bà Đoàn Thị Tẹo (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) buồn rầu chia sẻ: “Bây giờ còn ít người làm nghề lắm vì làm ra có bán được cho ai đâu mà thời gian làm thì lại rất lâu. Riêng cái lờ này tôi phải mất mấy buổi để chuẩn bị, từ việc chọn nứa, vót nan cho đến tỉ mỉ đan từng bộ phận rồi ghép vào nhau”. Giờ đây, chỉ khi nông nhàn, bà Đoàn Thị Tẹo mới tỉ mẩn ngồi đan lát những sản phẩm ngư cụ truyền thống đã gắn bó và nuôi sống gia đình mình trong suốt bao nhiêu năm qua.

tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style-8-.png
Mỗi tháng, anh Hùng chỉ có thể bán được 2-3 chiếc thuyền nan...

Không chỉ riêng các sản phẩm ngư cụ rơi vào tình trạng “ế ẩm”, số phận của những chiếc thuyền nan cũng “bi thảm” không kém. Theo chia sẻ của anh Vũ Văn Hùng (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên), số lượng thuyền bán ra mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 2-3 chiếc, thu nhập không thể đủ để trang trải cuộc sống.

“Lớp trẻ giờ chuyển sang làm công nhân, thu nhập ổn định mỗi tháng. Gia đình tôi có nghề đan ngư cụ, làm thuyền nan từ lâu đời nên tôi vẫn cố gắng theo để giữ nghề”, anh Hùng nói.

Theo hướng chỉ tay của anh Hùng, những chiếc thuyền nan được phủ lớp nhựa hắc ín đen bóng vẫn đang “nằm dài chờ đợi”, không biết sẽ phải đợi thêm bao nhiêu lâu nữa mới có người đến mua.

tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style-6-.png

Đến thời điểm hiện tại, những người làm nghề sót lại tại Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học chỉ là những người già, hiếm hoi lắm mới thấy một số người trung niên. Từ con số 245 hộ tham gia sản xuất ngư cụ truyền thống vào năm 2011 thì đến năm 2023 chỉ còn vỏn vẹn 20 hộ, tuy nhiên việc sản xuất không phải thường xuyên mà chỉ trong khoảng thời gian nông nhàn hay khi có đơn đặt hàng.

Gia đình ông Nguyễn Anh Sáu (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) đã có hàng chục đời gắn bó với nghề đan ngư cụ truyền thống. Nhớ lại những ngày thơ bé mới được tiếp xúc với nghề đan lát, ông Sáu không khỏi bồi hồi: “Ngày còn nhỏ, tôi cứ nhìn theo bố mẹ, ông bà đan lát rồi làm theo, ban đầu từ những cái đơn giản rồi bắt đầu làm nên những cái khó, cầu kỳ. Nghề đan lát đã gắn bó với tôi cả cuộc đời. Cho đến tận bây giờ, nghề này không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập, mà còn là quá trình gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình, của làng quê xưa”.

tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style.png
ông Nguyễn Anh Sáu đã chuyển đổi hướng sản xuất sang các sản phẩm lưu niệm

Với tình yêu nghề và nỗi niềm muốn duy trì, tiếp nối nghề truyền thống của quê hương, ông Nguyễn Anh Sáu đã chuyển đổi hướng sản xuất sang các sản phẩm lưu niệm, có thể kể đến như sản phẩm Thuyền nan Nam Hòa đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ngắm nhìn sản phẩm của mình, ông Sáu tự hào chia sẻ: “Dù là mô hình nhưng chiếc thuyền nan này đủ mọi bộ phận của thuyền thật, mọi chi tiết đều rất cầu kỳ và chân thật. Chiếc thuyền được du khách yêu thích và đón nhận, từ đó giúp tôi quảng bá làng nghề cho du khách trong và ngoài nước”.

tv-series-bible-presentation-in-dark-brown-light-brown-white-personal-authentic-style-7-.png
Sản phẩm Thuyền nan Nam Hòa đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Thế nhưng, sau thời gian dài giới thiệu các sản phẩm lưu niệm và kết hợp cùng một số đơn vị du lịch để tạo thành điểm tham quan, trải nghiệm tại ngay chính nhà mình, tình trạng vẫn chưa thật sự khởi sắc. “Sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm, khách du lịch cũng vô cùng thưa thớt nên hiện nay gia đình tôi vẫn chỉ làm để duy trì”, ông Sáu bày tỏ.

Để bảo tồn làng nghề truyền thống, địa phương cũng đã và đang có những định hướng và kế hoạch phát triển lâu dài. Bà Vũ Thị Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Hòa, TX Quảng Yên cho biết: “Địa phương đã chủ động thành lập các đơn vị để tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thông tin đại chúng. Cùng với đó là xây dựng mô hình, điểm đến tham quan để tạo động lực cho các hộ sản xuất phát triển, từ đó duy trì làng nghề và tiếp cận được nhiều du khách đến tham quan”.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đáu ‘giữ lửa’ làng nghề truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO