Làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên phát triển làng nghề cần đi kèm với tính bền vững, đó là vấn đề đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và Phát triển làng nghề” diễn ra sáng 10/11 tại Hà Nội.
Rút ngắn khoảng cách thu nhập
Hội thảo được tổ chức với mục đích nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề Việt Nam dưới sự tham gia của khoảng 250 đại biểu khách mời quốc tế và trong nước.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội cho biết, thành phố là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng nghề truyền thống của cả nước. Nhờ đó mà sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm tại Thủ đô, không chỉ với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em.
Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Tên nghề gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa một thời như nón làng Chuông, lụa Vạn Phúc… Chính vì vậy, sự mai một của các làng nghề không chỉ làm mất đi những sản phẩm truyền thống lâu đời mà còn kéo theo những lễ hội, trò chơi, trò diễn, tri thức nghề dân gian quý giá mất theo. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
“Mỗi làng nghề có một bản sắc riêng, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với sự đa dạng, nhiều chủng loại. Trong số đó có những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước" – ông Tường nhận định đồng thời cho rằng, cần có nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Nghệ nhân là trung tâm
Nói về giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, ông Tường cho rằng, cần phải tập trung vào tư vấn xây dựng và vận hành Trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề; tư vấn phát triển mô hình làng nghề, tuyến làng nghề, thiết kế thủ công tiêu biểu của Hà Nội và khu vực lân cận, lấy thiết kế sáng tạo và các giá trị văn hóa truyền thống làm cốt lõi. Song song với đó là phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công đầu tàu của thành phố phát triển các thiết kế mới từ mong muốn của nhu cầu thẩm mỹ tiêu dùng xã hội.
Chia sẻ về kinh nghiệm bảo tồn và phát triển làng nghề thế giới, ông Kevin Murray - Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới (WCC) bày tỏ mong muốn được mở rộng kết nối với các làng nghề trên thế giới trong đó có Việt Nam.
“Trên bản đồ thế giới, những làng nghề đã và đang ngày càng phát triển đã tiếp cận với công nghệ số, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất” - ông Kevin Murray nói và nhấn mạnh quan điểm, phát triển làng nghề bền vững, thì yếu tố cần thiết là phải phát triển thương hiệu làng nghề. Song song đó, sàn thương mại điện tử sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Làng nghề ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung không chỉ mang lại những giá trị về kinh tế mà còn bao gồm cả giá trị văn hóa, du lịch. Bởi vậy, việc bảo tồn gắn với phát triển làng nghề phải được đẩy mạnh, trong đó, cần chú trọng lấy các nghệ nhân làm trung tâm, làm chủ thể và cũng là đối tượng hướng tới.