Một thực trạng nhàm chán nhiều năm qua vẫn kéo dài ở Hà Nội, đó là sự thiếu vắng bóng dáng nghệ thuật ở các công viên, không gian cây xanh. Trong khi nếu khéo tận dụng, đây sẽ là cả một không gian mở, “thế giới mở” cho những thử nghiệm, ứng dụng nghệ thuật và tạo cơ hội nâng cao thẩm mỹ cộng đồng.
Lãng phí không gian
Dạo qua những công viên trên địa bàn Hà Nội, dễ nhận thấy nhiều nơi đang trong tình trạng mai một, xuống cấp và lãng phí không gian. Nhiều khu vực, địa điểm lâu không được chỉnh trang, dẫn đến cảnh quan hoang dại, rác rưởi vương vãi. Khu vực công viên đằng sau nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy) và công viên có hồ điều hòa ở đối diện ngay phía bên kia đường Hồ Tùng Mậu thuộc 2 quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm là ví dụ. Phía sau nghĩa trang Mai Dịch, gần khu vực Nhà tang lễ quận Cầu Giấy còn tồn tại tình trạng tù đọng, mất vệ sinh mặt nước.
Ví dụ khác về tình trạng chậm xử lý, phát huy công năng, chính là khu vực công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng với thực tế vẫn gần như vẫn “kín cổng cao rào” ở nơi vốn nổi tiếng với hồ Bảy Mẫu và diện tích cây xanh rộng lớn.
Mặc dù chủ trương của thành phố Hà Nội là bỏ các tường rào bao quanh nhiều công viên để tạo điều kiện cho đông đảo người dân tiếp cận, tận dụng không gian cây xanh để vui chơi, thư giãn, tập thể dục, nhưng tiến độ xem chừng chậm chạp. Còn phải kể đến công viên Bách Thảo, cũng ở trong tình trạng tương tự. Đặc biệt là tại công viên Bách Thảo vẫn tồn tại tình trạng xuống cấp nhiều tác phẩm điêu khắc vốn được trưng bày từ lâu.
Với nhiều công viên khác ngoài sự bừa bộn, mất vệ sinh còn thiếu vắng sự sáng tạo, phát huy hiệu quả các không gian, đang đặt ra vấn đề chỉnh trang nghiêm túc và khai thác tích cực nhằm tạo ra thêm nhiều giá trị phục vụ cộng đồng.
Ở đây, ngoài câu chuyện dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường vốn rất cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các ban quản lý công viên, các đơn vị chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường và chính quyền các phường, quận sở tại, thì vấn đề gây dựng các “vườn nghệ thuật”, “công viên nghệ thuật” là câu hỏi lớn dành cho ngành văn hóa của thành phố.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, có nhiều đòi hỏi về sự mở rộng, đổi mới, phát triển các không gian văn hóa nghệ thuật để tăng cường khả năng phục vụ công chúng, thêm cơ hội tiếp cận văn hóa, hưởng thụ nghệ thuật cho cộng đồng.
Xã hội đã biết đến nhiều địa chỉ văn hóa, nghệ thuật là các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, các nhà triển lãm của nhà nước và địa phương vận hành suốt thời gian qua.
Mấy chục năm gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều trung tâm văn hóa nước ngoài với nhiều hoạt động đa dạng, mới mẻ, bổ sung thêm các điểm đến văn hóa nghệ thuật cho khán thính giả. Những năm qua, lại tiếp tục có những địa chỉ mới của các tổ chức, nhóm, cá nhân trên tinh thần xã hội hóa hoạt động kinh doanh nghệ thuật, tích cực và tự nguyện bồi đắp thẩm mỹ cho công chúng.
Tưởng chừng sự duy trì đều đặn và nở rộ của các địa chỉ nghệ thuật trên là có thể đủ về “vốn thẩm mỹ” cho một thành phố mở rộng với dân số gần chục triệu người. Nhưng cùng với sự thiếu hụt và phân bố thiếu đồng đều của các không gian văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô, chúng ta nhận ra thêm một điều kiện to lớn và đầy tiềm năng khác đang bị “bỏ phí”, chưa được khai thác tương xứng. Cụ thể là các công viên với những điều kiện rất thuận lợi cho việc xây dựng những “khu vườn nghệ thuật”.
Làm gì để công viên là điểm đến hấp dẫn?
Với diện tích lớn, mặt bằng rộng rãi, nhiều nơi có mặt nước, có bãi cỏ và những cụm cây, hàng cây tạo thành các vùng xanh, các công viên ở Hà Nội có nhiều điều kiện nhằm kiến tạo các sự kiện, hoạt động nghệ thuật có quy mô lớn và đa dạng, giới thiệu các tác phẩm hoành tráng. Như việc tổ chức các triển lãm điêu khắc với chất liệu bền vững có thể trưng bày thời gian dài ngoài trời cũng như trưng bày lẻ các tác phẩm kích cỡ lớn. Các tác phẩm đó sẽ tạo điểm nhấn, mang thêm vào không gian cây xanh, mặt nước những ấn tượng mới mẻ, hiện đại, giàu tính thẩm mỹ.
Thực tế, ở một số công viên đã có những tượng đài được dựng lên từ lâu như: tượng đài chiến sĩ tự vệ Thủ đô ở vườn hoa Hàng Đậu, tượng anh hùng Lý Tự Trọng ở vườn hoa Lý Tự Trọng bên hồ Tây, tượng Nguyễn Trãi ở vườn hoa Hà Đông, tượng Ngô Quyền ở vườn hoa thị xã Sơn Tây…
Hoặc như đài phun nước ở vườn hoa Con Cóc nằm giữa phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu thuộc quận Hoàn Kiếm vốn được dựng lên từ thời Pháp thuộc... Tuy nhiên, các công viên, vườn hoa như thế còn nhiều điều kiện “mở” để có thể khai thác cho các sự kiện triển lãm ngắn hạn hoặc trưng bày luân phiên các tác phẩm điêu khắc.
Và không chỉ lĩnh vực này, những không gian dù quen thuộc nhưng sẽ là mới mẻ với nghệ thuật trên còn đem đến gợi ý cho việc trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm mang tính trình chiếu, diễn xướng phù hợp. Đương nhiên, kéo theo đó phải là sự nghiên cứu, đầu tư, sử dụng chất liệu, thiết bị phù hợp trong điều kiện bảo quản thường xuyên và bảo vệ chặt chẽ. Chính quyền thành phố, ngành văn hóa, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội… rất nên quan tâm đến vấn đề này và nghiên cứu các phương án khai thác, tổ chức các hình thức trưng bày, giới thiệu tác phẩm trong các không gian công viên, không gian xanh của thành phố. Việc làm đó sẽ vừa mở thêm không gian tọa lạc, sắp đặt cho các tác phẩm nghệ thuật ngoài các không gian đóng, không gian thính phòng, thêm cơ hội để nghệ sĩ sáng tạo, quảng bá tác phẩm đến công chúng, và đặc biệt là thêm cơ hội thưởng thức tác phẩm nghệ thuật cho công chúng phổ thông. Rất nên có các hình thức hợp tác giữa Thủ đô với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị quản lý nhà nước về nghệ thuật để tổ chức các sự kiện triển lãm, trưng bày với các quy mô phù hợp ở nhiều công viên khác nhau trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, từng có vài hoạt động trong không gian công cộng như việc chiếu phim ngoài trời trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội gần đây; dựng mô hình linh vật của năm mới bên hồ Gươm để đón xuân; một số tác phẩm điêu khắc, sắp đặt ánh sáng cũng từng có dịp được trưng bày trong các khuôn viên nhỏ tại đây; cũng như một số cuộc trưng bày ảnh đã diễn ra… nhưng đó mới là sự “manh nha”, phục vụ cho một số kỳ cuộc ngắn hạn chứ chưa đặt mục tiêu khai thác lâu dài các không gian hữu ích này.
Phát triển các khu “vườn nghệ thuật”, “công viên nghệ thuật” của Thủ đô còn là cách tạo thêm sức hút để người dân đến với công viên, không gian xanh, vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa tận hưởng bầu không khí trong lành trong bối cảnh đô thị ùn tắc, ô nhiễm nặng nề. Qua đó càng góp phần thúc đẩy việc chỉnh trang, tôn tạo, giữ gìn và phát triển thêm những không gian xanh ở Thủ đô.
Dễ nhận thấy người dân thường chỉ đến với công viên để tập thể dục buổi sáng. Còn vào thời gian trong ngày, các không gian này trở nên vắng vẻ, ít người tìm đến hưởng thụ những tiện ích mà công viên mang lại như một thói quen nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, hưởng thụ văn hóa.
Thời gian qua, công viên Yên Sở ở khu vực quận Hoàng Mai được chú ý như một điểm đến mới rộng rãi, xanh, sạch, đẹp, nhưng mô hình này quá ít ỏi. Và nếu vẫn cứ để các công viên nói chung ở trạng thái “đóng” về cả rào chắn lẫn thiếu sáng tạo hoạt động, thiếu sự chăm sóc dẫn đến bề bộn, ô nhiễm thì những không gian công cộng này sẽ càng trở nên xa cách với đối tượng phục vụ của chính nó là người dân.
Rõ ràng, để khai thác quỹ đất xây dựng các công viên đã là khó khăn, tốn kém nhiều sức người, sức của và các nguồn lực về tài nguyên, môi trường. Nhưng khi đã hình thành các công viên, các không gian xanh rồi mà vẫn tồn tại nhiều bất cập từ việc chăm sóc, phát huy công năng cho đến sáng tạo các hình thức văn hóa, nghệ thuật để công viên thêm hấp dẫn thì lại càng đáng tiếc.
Phát triển các khu “vườn nghệ thuật”, “công viên nghệ thuật” của Thủ đô còn là cách tạo thêm sức hút để người dân đến với công viên, không gian xanh, vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa tận hưởng bầu không khí trong lành trong bối cảnh đô thị ùn tắc, ô nhiễm nặng nề. Qua đó càng góp phần thúc đẩy việc chỉnh trang, tôn tạo, giữ gìn và phát triển thêm những không gian xanh ở Thủ đô.