Nhằm tháo gỡ khó khăn trong cơ chế đào tạo của các trường nghệ thuật, đảm bảo quyền lợi của người học, Bộ GDĐT đã cho phép các trường tiếp tục dạy văn hóa cho học viên khóa 2021-2022 trở về trước. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp phần ngọn.
Hiện các trường nghệ thuật đang trông chờ vào dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật của Chính phủ được thông qua. Trong dự thảo này có nhiều quy định thay đổi so với trước kia, được kỳ vọng rằng, những nút thắt trong cơ chế đào tạo, tuyển sinh của các trường nghệ thuật sẽ được tháo gỡ để thu hút người học.
Gỡ nút thắt từ luật
Khó tìm việc, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề... là những rào cản khiến nhiều năm nay các cơ sở đào tạo nghệ thuật vẫn luôn trong tình trạng thiếu thí sinh dự thi.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết Online đã có loạt 3 bài viết: “Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù”. Trong loạt bài này có phản ánh về những khó khăn, bất cập trong việc tuyển sinh, cơ chế đào tạo của các trường nghệ thuật trong năm học 2021-2022.
Theo đó, ngay trước thềm năm học mới, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật trên địa bàn yêu cầu từ năm học này các trường không tổ chức dạy văn hóa và trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung cấp như trước mà liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Công văn khiến các trường lúng túng trong việc triển khai dạy học văn hóa cho học viên trong năm học mới. Thông tin này cũng gây hoang mang, lo lắng đối với các phụ huynh và học sinh, khiến họ phải làm đơn “kêu cứu” ở khắp nơi.
Những quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng là một trong những rào cản trong công tác đào tạo của các trường nghệ thuật. Chính thức có hiệu lực từ năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu chung đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo... nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật lại đang tạo ra vô số những bất cập. Mới đây, hàng loạt các trường đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng đã đồng loạt lên tiếng xung quanh những “rối ren” này.
Trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người học, ngày 3/11/2021, Bộ GDĐT ban hành công văn số 5047/BGDĐT-GDTX cho phép các trường nghệ thuật thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cho học viên khóa 2021-2022 trở về trước. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn.
Mới đây, Chính phủ vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong ngành nghệ thuật đặc thù để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, có nhiều quy định thay đổi so với trước kia để tạo điều kiện trong việc tuyển sinh và đào tạo nhằm thu hút người học.
Dự thảo nghị định này đã đưa vào quy định các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp ở các ngành chuyên sâu đặc thù thuộc lĩnh vực này. Bên cạnh đó, dự thảo này quy định thời gian đào tạo từ 2-9 năm tuỳ thuộc vào thí sinh đầu vào, trong khi Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định bậc trung cấp chỉ đào tạo 1-2 năm.
Theo dự thảo này, ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được quy định gồm các ngành, nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, múa, xiếc, tạp kỹ, sân khấu, điện ảnh và mỹ thuật.
Mong chờ dự thảo được thông qua
Các trường đào tạo nghệ thuật hiện đang hi vọng những điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong ngành nghệ thuật đặc thù nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo đặc thù lĩnh vực nghệ thuật.
Theo TS Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, nghị định này sẽ góp phần thu hút được người học ở một số ngành khó tuyển. Do có những chính sách ưu đãi về học phí, học bổng và đặc biệt một điểm rất mới đó là chính sách hỗ trợ việc làm dành cho những trường hợp tốt nghiệp loại giỏi trở lên hoặc đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho không chỉ Học viện Âm nhạc Huế mà cả Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh có thể giữ được sinh viên giỏi, nâng chất lượng đào tạo.
Về quy định mới tại dự thảo này, Ths Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phân tích, theo quy định hiện nay, không có ngành nào quy định dạy trung cấp 9 năm. Quy định không sai nhưng không đúng với ngành nghệ thuật đặc thù. Ví dụ, số tiết học của học viên theo ngành xiếc gần 6.000 tiết trong toàn khóa, nếu áp dụng quy định toàn khóa trung cấp chỉ được dạy khoảng 1.800 tiết thì sẽ không thể có học viên tốt nghiệp những ngành này. Bởi vậy, dự thảo Nghị định sẽ giúp các trường không “vi phạm” quy định so với luật mới.
Đồng quan điểm, PGS. TS, NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nêu quan điểm, do đặc thù ngành nghề, các trường nghệ thuật rất cần duy trì hệ đào tạo từ trung cấp lên đại học để duy trì nguồn tuyển. Nếu có một nghị định quy định chung trong các trường văn hóa nghệ thuật được đào tạo trung cấp thì những đề án đào tạo theo yêu cầu xã hội sẽ không bị vướng khi triển khai.
Vì vậy, PGS. TS Nguyễn Đình Thi cho rằng, dự thảo là sự mong chờ của tất cả các trường bởi giải quyết được phần lớn những vướng mắc còn tồn đọng của các khối trường Thể dục thể thao, Du lịch, Mỹ thuật và Nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL quản lý.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nươc đã được ban hành và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật phát triển, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã bộc lộ các bất cập cần phải tháo gỡ bằng cơ chế chính sách và hành lang pháp lý phù hợp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã tổ chức đánh giá hoạt động đào tạo VHNT đặc thù, làm căn cứ cho việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Từng bước chuẩn hoá chương trình đào tạo, đảm bảo tính cạnh tranh cao hơn, thu hút người học đông hơn.