Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt từ công tác tuyển sinh đến dạy học của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đào tạo lĩnh vực đặc thù nghệ thuật.
Dù đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức, chuyển từ tuyển sinh, dạy học trực tiếp sang trực tuyến song các trường vẫn đang loay hoay, lúng túng trong muôn vàn cái khó. Quá trình thực hiện loạt bài "Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù", phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online đã tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, qua đó thấy rõ những thách thức lớn mà cả thầy và trò phải nỗ lực vượt qua.
Năm 2021 là năm thứ hai công tác tuyển sinh đại học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Thậm chí, theo thống kê của Bộ GDĐT, trong số 5 cơ sở giáo đục dại học không tham gia xét tuyển lọc ảo năm nay, có một số trường không thể tổ chức thi năng khiếu để lấy điểm xét tuyển.
Nếu như mùa tuyển sinh mọi năm, sân khấu, sàn tập nhộn nhịp học viên thể hiện năng khiếu múa, xiếc, thanh nhạc… thì năm nay, mọi kế hoạch của các trường đào tạo lĩnh vực đặc thù nghệ thuật đã phải dừng lại, chuyển sang hình thức tuyển sinh online. Dù thời điểm hiện tại, công tác tuyển sinh của các trường đã kết thúc, song có trường đang lên phương án tuyển sinh đợt 2 vì học sinh trúng tuyển vẫn thiếu.
Chạy đôn, chạy đáo, chiêu mộ tài năng
Đã nhiều tháng qua, tất cả các phòng học, sàn tập của Học viện Múa Việt Nam đều phải đóng cửa. Tiếp chúng tôi, TS, NSƯT Trần Văn Hải, Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, năm nay, thí sinh không thể đến sàn tập để thi năng khiếu do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhưng công tác tuyển sinh online vẫn được diễn ra bài bản qua 2 vòng sơ tuyển và chung tuyển như mọi năm.
Các mùa tuyển sinh trước, nhà trường phải chia nhiều hướng tới khắp các tỉnh, thành phố để tuyển chọn học viên thì năm nay không thể làm được. Thay vào đó, nhà trường đã phối hợp với các địa phương như Tuyên Quang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… để tổ chức xét tuyển online.
Dù đã có kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm ngoái song với các loại hình nghệ thuật đặc thù như múa – vốn phải tuyển sinh trực tiếp theo cách truyền thống thì công tác tuyển sinh online năm nay của trường vẫn tồn tại một số bất cập.
TS NSƯT Trần Văn Hải chia sẻ, các thí sinh đa phần chưa được trang bị kiến thức về múa, lại không có không gian, đạo cụ để luyện tập, nên việc phát hiện năng khiếu của từng em khi tuyển sinh online chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các thầy cô trong ban giám khảo.
Đến thời điểm này, mọi công tác tuyển sinh của Học viện Múa Việt Nam đã hoàn tất. Trong số 129 hồ sơ xét tuyển, có 90 học viên trúng tuyển, thấp hơn so với chỉ tiêu 30 học viên. Theo TS NSƯT Trần Văn Hải, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh thì con số này được xem là tạm ổn. Các em sẽ bắt đầu năm học mới vào cuối tháng 9 này.
Tương tự như Học viện Múa Việt Nam, nguồn đầu vào cho đào tạo xiếc của Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam luôn gặp khó. Học viên của trường độ tuổi từ 11 đến 18. Bởi vậy mà mùa tuyển sinh nào, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường cũng chạy đôn, chạy đáo đi khắp các trường THCS, THPT của các tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa để chiêu mộ tài năng chứ không thể ngồi yên chờ đợi các em tự tới nộp hồ sơ.
Theo thông lệ, công tác tuyển sinh của Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 thì năm nay chỉ có đúng hơn 1 tháng. Thầy Đặng Thái Sơn, Phó trưởng khoa chuyên môn Xiếc cho biết, để bảo đảm số lượng đầu vào, nhà trường đã tận dụng tối đa kênh truyền thông trên mạng xã hội để tuyển sinh.
Để vào được trường xiếc, các thí sinh phải trải qua 3 vòng thi: sơ tuyển, chung tuyển và phúc tuyển. Theo thông tin của nhà trường, năm học này, từ hơn 6.000 hồ sơ vòng sơ tuyển qua 3 vòng thi nhà trường lựa chọn được 34 hồ sơ trúng tuyển. Nhưng đến ngày nhập học, 6/9, số học sinh tuyển được chỉ còn 21 học viên.
Một trong những nguyên nhân chính khiến ngành xiếc khó tuyển học viên là bởi với môn năng khiếu khó, khổ như xiếc, việc đào tạo tốn thời gian hơn so với các ngành học khác, lại phải chịu sự đào thải khắc nghiệt. Thực tế, nhiều em phải nghỉ học giữa chừng vì không thể đáp ứng yêu cầu tập luyện.
Số lượng hay chất lượng?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam hiện nay, học sinh xiếc không phải đóng tiền học văn hóa phổ thông, các em chỉ phải đóng học phí 50.000 đồng/tháng, nhưng bù lại sẽ được nhận tiền hỗ trợ nghề là 68.000 đồng/tháng.
Ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc tuyển sinh cho diễn viên xiếc ở nhiều lứa tuổi nên trình độ học văn hóa của các em khác nhau. Tuy nhiên, nhà trường có Khoa Văn hóa phổ thông giúp cho học viên được đào tạo theo quy trình khép kín mang tính đặc thù. 21 học viên trúng tuyển năm nay cũng đã được nhà trường sắp xếp, chia lớp học văn hóa phù hợp với trình độ lứa tuổi.
Để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, năm nay, trường sẽ tuyển sinh thêm hệ vừa học vừa làm, đối tượng là học sinh THCS trở lên, đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ bắt đầu từ 11/10.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chất lượng đầu vào liệu có bảo đảm khi tuyển sinh online tồn tại nhiều hạn chế, số lượng thí sinh trúng tuyển giảm so với mọi năm, ông Thắng thông tin, nhiều năm nay, trong công tác tuyển sinh, nếu thiếu chỉ tiêu nhà trường không hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung mà tuyển sinh đợt 2, bảo đảm các vòng tuyển chọn như vòng 1.
“Tuyển sinh online dù có hạn chế nhất định nhưng phương châm của nhà trường là chất lượng chứ không phải số lượng. Bởi thành quả cuối cùng thể hiện chất lượng đào tạo là diễn viên đứng trên sân khấu được khán giả đón nhận và thi đấu đạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước”, ông Thắng nói thêm.
Cho rằng tuyển sinh thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, các tiêu chí năng khiêu không thể cầu toàn như trước, song TS, NSƯT Trần Văn Hải cũng nhìn nhận, để đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, việc tuyển sinh online sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào.
Trước bài toán về chất lượng, NSƯT Trần Văn Hải cho biết, nhà trường đã xây dựng giáo trình để từ năm 2021 mở mã ngành đào tạo diễn viên múa bậc đại học. Do đó, từ năm nay, nhà trường sẽ tập trung tuyển chọn nguồn tài năng chất lượng cao, đào tạo chuyên sâu.
Tuy nhiên, thời gian này, việc đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng sẽ gặp không ít khó khăn khi phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến và nhất là những vướng mắc trong các quy định của công tác đào tạo.
Trước thềm năm học mới 2021-2022, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, gồm: Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, yêu cầu từ năm học này các trường không tổ chức dạy văn hóa và trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung cấp như trước mà liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Công văn này đang khiến các trường lúng túng trong việc triển khai dạy học văn hóa cho học viên trong năm học mới