Choáng với học phí đại học

Thu Hương 16/05/2023 07:23

Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học (ĐH) thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng song điều này đang khiến không ít người lo lắng.

Ảnh minh họa. Ảnh: Quang Vinh.

Cân não chọn trường

Trường ĐH Dược Hà Nội vừa công bố 4 phương thức tuyển sinh năm học 2023- 2024 cùng mức học phí sẽ áp dụng trong thời gian tới. Học phí đối với hệ đại trà tính theo năm học tùy ngành từ 13,5-24,5 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao, học phí năm học 2023-2024 là 49,5 triệu đồng.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến mức học phí hệ đại trà là 506.900 đồng/tín chỉ (tăng hơn 224.000 đồng/tín chỉ so với năm trước); hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ. Tính tổng cả khóa 4 năm học, sinh viên sẽ phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học.

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tăng 5 -10 triệu đồng/năm học (tùy chương trình đào tạo). Mức học phí dự kiến đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học; học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm học (tăng 5 triệu đồng); học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm học (tăng 10 triệu đồng); học phí Chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm học.

Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến tăng 10% trong năm tới; Trường ĐH Điện lực tăng 14% học phí 2 khối ngành Kinh tế và Kỹ thuật lần lượt gần 16-18 triệu đồng...

Trước thông tin này phụ huynh và thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH 2023 đều cảm thấy lo lắng, bởi việc tăng học phí tất yếu sẽ thêm phần nặng gánh trên vai các bậc phụ huynh.

Phan Mạnh Hải - sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay em trai của Hải cũng đã đăng ký thi vào trường mình đang học nhưng với thông báo tăng học phí của khóa mới, gia đình em thực sự lo lắng.

“Mức tăng không quá 10% so với năm 2022 mà trường đưa ra thực tế không quá cao so với các trường khối ngành kinh tế khác nhưng bố mẹ em là nông dân, thu nhập thấp nên việc học tập hiện nay của em cũng đã dựa vào nguồn vay tín dụng sinh viên. Em trai em nếu đỗ ĐH, chắc chắn cũng sẽ phải làm thủ tục vay nhưng còn tiền ăn, ở và nhiều chi phí khác” – Hải trăn trở.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thúy (trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam), ngay khi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh, cô cũng luôn đề cập đến yếu tố học phí và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Bởi chặng đường 4-5 năm ĐH không đơn giản, cần tính toán để các em đi được đường dài, không “đứt gánh giữa đường” bởi gánh nặng học phí.

Cần công khai minh bạch

Sau 2 năm giữ nguyên học phí, nhiều trường ĐH dự kiến sẽ tăng 10 - 20% cho năm học 2023 – 2024, thậm chí có trường tăng gấp đôi. Dẫu vậy, khi các trường sớm công khai mức học phí dự kiến trước khi thí sinh đăng ký nguyện vọng thì các em và gia đình sẽ có tính toán hợp lý, từ đó có quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp với cả năng lực và điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hiện tượng một số trường chưa công bố hoặc nếu có thì cũng là thông tin chung chung khiến thí sinh và phụ huynh băn khoăn không biết hỏi ai.

Trong đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội chỉ ghi: "Học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) là thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".

Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp thông tin về học phí năm học tới là: "Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ".

Vẫn biết mức học phí các trường sẽ thu theo quy định của Chính phủ nhưng có trường sẽ thu kịch trần hay mức thấp hơn là một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Theo các chuyên gia, việc các trường ghi chung chung như vậy sẽ khó cho người học vì không có con số cụ thể thì khó để “liệu cơm gắp mắm”. Một tháng người học sẽ phải đóng bao nhiêu tiền học phí hay đóng theo kỳ, theo tín chỉ, theo năm là vấn đề cần được làm rõ, không nên để mỗi trường mỗi kiểu như hiện nay.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, công khai học phí là quyền lợi, cũng là nghĩa vụ của tất cả các trường để đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh ĐH. Không thể mập mờ, chung chung để người học tự hiểu, tự tra, đặc biệt là cần công khai lộ trình tăng học phí cả những năm học sau bởi đã có những trường hợp sinh viên không theo học tiếp được vì khó khăn về kinh tế.

“Tăng học phí trong xu thế tự chủ ĐH là tất yếu nhưng cần minh bạch ngay từ đầu để người học nắm được và các cơ quan chức năng, xã hội cùng giám sát. Đặc biệt, nhà nước cần phải kiểm soát mức trần học phí ở các trường công lập cũng như tạo điều kiện về tín dụng sinh viên để đảm bảo mọi người dân có đủ điều kiện, năng lực được tiếp cận với giáo dục ĐH” – GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Choáng với học phí đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO