Thời gian qua, cơ quan chức năng đã cảnh báo bằng nhiều hình thức về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua bán tiền ảo trên mạng xã hội, song nhiều người vẫn bị “sập bẫy”. Thực tế cho thấy, mua bán hàng hóa ảo, tiền ảo nhưng mất mát thật.
Theo lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay đã phát hiện 33 vụ liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội; trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án với 3 bị can. Những sàn tiền ảo được ngành Công an phát hiện như: Bi option, UK Trade Globad... đã kêu gọi các nhà đầu tư, đưa ra các mức lãi suất siêu lợi nhuận rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia và sau đó làm sập sàn để chiếm đoạt tài sản của người chơi.
Để lôi kéo, lúc đầu người chơi tham gia với số tiền nhỏ thì đối tượng cho rút tiền lợi nhuận. Khi đã có niềm tin, người chơi thường sẽ bỏ ra số tiền lớn hơn để đầu tư nhằm thu lợi nhuận cao. Sau khi số tiền nạp vào đủ lớn, các đối tượng đứng sau sẽ làm đóng băng tài khoản, đánh sập sàn và chiếm đoạt tài sản.
Trước khi cao chạy xa bay, các đối tượng xấu còn kêu gọi người chơi làm “cộng tác viên” để bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử, như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng. Sau đó hướng dẫn họ lập tài khoản trên app rồi đưa nhiệm vụ để thực hiện, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10 - 15% trả lại vào tài khoản. Thế nhưng, khi họ muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt.
Như vậy là từ vị trí “nhà đầu tư” họ đã trở thành “bị hại” trong những vụ lừa đảo không dễ bắt được thủ phạm.
Những thủ đoạn lừa đảo thực hiện được chủ yếu đánh vào lòng tham của bị hại, nhất là với mức lãi suất siêu lợi nhuận. Các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng không bao giờ là dễ dàng và người tham gia luôn “cầm đằng lưỡi”, mà ở đời “chơi dao” kiểu ấy chẳng chóng thì chầy sẽ đứt tay.
Ở đây, chúng tôi muốn nói thêm về việc mua bán tiền ảo đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin… nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).
Rõ ràng Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo cũng như Bitcoin là một phương tiện thanh toán. Việc phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán là không hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Hội nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số tại Việt Nam, đại diện Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) dẫn quy định của pháp luật Việt Nam khẳng định tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo có thể là các hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo nhằm giúp người dân thoát khỏi cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo. Người dân cần tự mình trang bị kiến thức, hiểu biết khi có ý định tham gia đầu tư trên không gian mạng để không bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Tuy nhiên, về phía cơ quan chức năng cũng cần phải nêu cao trách nhiệm hơn nữa, chủ động điều tra, theo dõi, bóc gỡ những đường dây lừa đảo trên mạng. Vì rằng, tội phạm mạng là loại hình tội phạm công nghệ cao, không phải người dân nào cũng đủ kiến thức, hiểu biết để nhận diện và đề phòng.