Tin vào lời hứa không làm gì, nhưng vẫn được trả lợi nhuận mỗi tháng, cuối năm thu về cả trăm triệu đồng, hàng chục người ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) không chỉ bỏ tiền vào tham gia mà còn lôi kéo người thân cùng mắc “bẫy”.
Lôi kéo nhiều người tham gia
Theo phản ánh của nhiều người dân tại huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa): Từ khoảng năm 2019 trở lại đây, thông qua mạng xã hội YouTube, Zalo, Facebook, nhiều cặp vợ chồng dân tộc Mông vốn quanh năm lên nương rẫy, không am hiểu công nghệ hay tài chính... đã bị một số đối tượng tuyên truyền đến từ tỉnh Điện Biên thuộc Công ty Vitae lôi kéo và đã bỏ ra hàng triệu đồng để đầu tư tiền ảo, tìm cơ hội sinh lời. Nạn nhân chủ yếu là những gia đình có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn ở các bản Pha Đén, Pá Búa, xã Trung Lý và xã Tam Chung.
Với thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo và lời hứa sẽ trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận có được của công ty, đặc biệt là khi giới thiệu được người mới tham gia, nhiều người tin vào các đối tượng lừa đảo, lôi kéo thêm anh em, người thân trong gia đình, dòng tộc và xóm giềng cùng tham gia vào trò chơi tiền ảo. Tính đến cuối năm 2021, ở Mường Lát đã có đến 47 người là đồng bào dân tộc Mông tham gia. Mỗi người trong số này phải đóng từ 5-6 triệu đồng. Sau một thời gian tham gia, số đối tượng tuyên truyền bất ngờ tuyên bố Công ty Vitae phá sản. Lúc này, các nạn nhân mới tá hỏa phát hiện bị lừa thì đã trắng tay.
Chị H.T.D. - một nạn nhân ở bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát ấm ức cho biết: “Thông qua mạng xã hội, một số người trên địa bàn đã tìm cách tiếp cận, làm quen rồi rủ rê tham gia. Mình đã nộp vào công ty 2 triệu đồng, họ hứa chỉ cần nộp tiền và giới thiệu người khác tham gia thì sẽ được hưởng hoa hồng và được trả tiền lãi hàng tháng. Thậm chí, họ còn hứa, cuối năm nay sẽ được chia số tiền từ 100-200 triệu đồng. Nhưng sau khi nộp tiền, thì họ nói công ty đã phá sản nên không đòi lại được. Tiền mất thì đã mất rồi, nhưng nhiều người trong gia đình, bản làng trách móc vì trót thuyết phục họ làm theo. Mình buồn lắm!”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Không chỉ với phương thức đầu tư tiền ảo qua Công ty Vitae, tại huyện Mường Lát còn tồn tại một hình thức đầu tư nữa trên mạng internet thông qua một người tên Koukham (được cho là ở Viêng Chăn, Lào). Mỗi người tham gia sẽ phải đóng khoản tiền dao động từ 1-2 triệu đồng thông qua người tham gia trước giới thiệu. Khi người tham gia lôi kéo được người khác sẽ được hưởng hoa hồng từ số tiền người sau đóng cho công ty theo hình thức đa cấp dạng bậc thang, số tiền hoa hồng này sẽ được đẩy về ví điện tử của người tham gia.
Để hiệu quả trong công việc, Koukham còn lập ra hệ thống tài liệu bằng tiếng Mông thông qua mạng xã hội Facebook để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia. Đồng thời, đối tượng này còn tạo sức ép cho người tham gia bằng cách yêu cầu phải giới thiệu, đưa người khác cùng theo, nếu không sẽ mất số tiền đóng ban đầu. Nên những người Mông, huyện Mường Lát khi tham gia vào hình thức này chủ yếu phát triển đường dây bằng cách lôi kéo người thân trong gia đình, cộng đồng dân tộc mình tham gia. Khi sự việc vỡ lỡ, hệ quả để lại là rất lớn. Ngoài mất tiền, nhiều người còn nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng. Với đường dây này, hiện toàn huyện Mường Lát có 35 người dân tộc Mông đang tham gia, chủ yếu là phụ nữ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung cho biết: Hoạt động lừa đảo nói trên bắt đầu từ bản Suối Phái, Suối Lóng, xã Tam Chung rồi đến xã Pù Nhi, người dân truyền tai nhau về mức độ sinh lời của đồng tiền ảo cao chót vót nên đã có không ít người dân cả tin nghe theo.
“Có người nào đó đứng ra tuyên truyền, lôi kéo là nộp vào 1-2 triệu thì những tháng đầu tiên được tiền lãi. Sau đó xã chỉ đạo lực lượng chức năng tuyên truyền và đến thời điểm này đã dừng lại”- bà Thiết nói.
Tăng cường tuyên truyền
Như đã nói ở trên có thể thấy, hoạt động đầu tư của một bộ phận người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát đã và đang diễn ra theo 2 hình thức: Đầu tư đồng tiền ảo trên mạng internet và đầu tư thông qua Công ty Vitae. Để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục lừa đảo và giảm thiểu thiệt hại cho người dân, các cơ quan chức năng tại huyện Mường Lát đã tổ chức họp dân tại 22 bản Mông; phát đi những bản tin cảnh báo bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và các xã, bản người Mông; tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp, tiền ảo để mắc bẫy các đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát đã nhanh chóng xác minh làm rõ để ngăn chặn sự lây lan, phát triển của hình thức lừa đảo trên. Chỉ sau một thời gian ngắn xác minh, các lực lượng chức năng đã làm việc với 30 đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Tất cả những trường hợp này đều do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên đã tin theo và nộp tiền cho các đối tượng cầm đầu, sau đó tìm cách lôi kéo thêm thành viên mới để nhận hoa hồng, lấy lại số tiền đã nộp ban đầu, yêu cầu các đối tượng này cam kết dừng hoạt động, không tiếp tục lôi kéo người khác tham gia kinh doanh đa cấp.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Huyện đã phát hiện và chỉ đạo rà soát, đồng thời tổ chức tuyên truyền, làm rõ bản chất của các đường dây lừa đảo. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, xây dựng các bài tuyên truyền có tính hệ thống, tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân. Đến thời điểm này bà con đã nhận ra được mưu đồ của đối tượng và rút ra được bài học cho chính mình”.