Mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường đại học (ĐH) trên toàn quốc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Theo các chuyên gia tuyển sinh, trong số 18 phương thức xét tuyển mà các trường ĐH sử dụng hiện nay, phương thức dùng kết quả thi ĐGNL đang ngày càng trở nên phổ biến, với tỷ lệ thí sinh trúng tuyển năm 2022 là 2% (hơn 10.000 chỉ tiêu).
Tăng số lượng thí sinh dự thi
Theo thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngày 6/5 tới, kỳ thi ĐGNL do trường tổ chức sẽ diễn ra tại 5 điểm thi. So với năm 2022, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng gấp đôi (cụ thể là 4.667 thí sinh). Trong đó, có 2.912 thí sinh đăng ký dự thi môn Toán; 2.876 thí sinh thi Ngữ Văn; 2.248 thí sinh thi Tiếng Anh; 1.010 thí sinh thi Lịch sử…
Kết quả bài thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được 8 trường ĐH trên cả nước sử dụng để xét tuyển ĐH năm 2023.
Trước đó, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi ĐGNL đợt 1, đã thu hút gần 90.000 thí sinh đến từ 61 tỉnh, thành thuộc 1.885 trường THPT trong cả nước dự thi. TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, kết quả phân tích 88.052 bài thi cho thấy, điểm trung bình của thí sinh là 639,2 điểm, có 152 thí sinh trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất là 238 điểm.
Đánh giá về phổ điểm của đợt thi này, ông Chính nhận định: Phổ điểm thi đợt 1 năm 2023 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển.
Ông Chính lưu ý, kết quả phân tích độ khó, độ phân biệt của đề thi ĐGNL đợt 1 cho thấy phù hợp với các giá trị theo thiết kế của đề thi. Kỳ thi ĐGNL đợt 2 sẽ được tổ chức vào ngày 28/5 tại 4 địa phương (TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang). Hiện tại, 91 cơ sở giáo dục đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển.
Cần tích lũy đủ kiến thức để thi đánh giá năng lực
Mới đây, chia sẻ về kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, kỳ thi đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2012, dựa trên việc tham khảo tất cả những kỳ thi lớn trên thế giới như SAT, ACT của Hoa Kỳ, hay TSA của Anh quốc, kỳ thi ĐH của Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ông Thảo phân tích, việc tuyển sinh, tuyển dụng không những cần tìm được người giỏi, mà còn phải “đúng”, tức là phù hợp. Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá đúng năng lực của người học. Dù là chương trình phổ thông cũ hay mới, khi tốt nghiệp bậc THPT, thí sinh cần đạt được những năng lực gì về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn, ngữ pháp hay khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Bài thi đó không chỉ đòi hỏi phải nhớ kiến thức, bởi nếu một công thức chỉ thuộc mà không biết để làm gì, được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống cũng không được cho là hiểu vấn đề. Ngược lại, nếu thể hiện là hiểu rõ vấn đề, chứng tỏ thí sinh lột tả được năng lực bên trong, lúc đó các trường sẽ khai thác các nhóm năng lực cần thiết để tuyển chọn.
Theo đó, các chuyên gia ĐH Quốc gia Hà Nội đã thiết kế bộ công cụ đánh giá tương đối toàn diện từ năng lực về mặt tư duy, kiến thức, ngôn ngữ cho đến khoa học, nghệ thuật, xã hội. Qua kỳ thi ĐGNL, thí sinh sẽ bộc lộ được tất cả những gì đã tích lũy.
“Chính vì vậy, dù có thi nhiều lần thì kết quả cũng không thay đổi nhiều. Thống kê năm 2022, có 62.000 lượt thí sinh dự thi thì khoảng 1/4 trong số đó có thi lại, nhưng kết quả cũng không thay đổi nhiều. Một là năng lực của thí sinh như vậy, hoặc là phải có thời gian để tích lũy, chứ không thể tháng trước học, tháng này thay đổi ngay” – ông Thảo lý giải.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực không được thiết kế để những người học theo cách tích lũy nhanh chóng có thể làm được bài. Thay vào đó, năng lực là một quá trình tích lũy. Do đó, học sinh cần xây dựng sớm các kiến thức ngay từ lớp 10, để có năng lực tích lũy tương đối dày dặn trước khi tham gia các bài thi.