Chồng chéo quản lý, kéo dài dự án

Duy Phương 30/03/2018 08:00

Đó là nhận định của các doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia trong ngành xây dựng tại Hội thảo: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng 29/3 tại Hà Nội.

Chồng chéo quản lý, kéo dài dự án

Cần có thêm giải pháp về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp xây dựng cơ bản.

Bất cập từ những rào cản

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập, rào cản khi triển khai các dự án xây dựng chủ yếu do nguyên nhân các pháp luật, văn bản quản lý vẫn còn chồng chéo, ôm đồm và đây có lẽ là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng nêu ví dụ, riêng Bộ Xây dựng đã soạn thảo, chỉ đạo và theo dõi thực hiện 4 luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo 3 luật, rồi Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công an...

Như vậy, chỉ riêng lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng mà có đến hàng chục luật tác động. Nhưng phức tạp hơn là cùng một vấn đề song giữa luật này và luật kia cũng có sự khác biệt.

Chỉ rõ hơn về nhận định này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, chỉ riêng công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư xây dựng, có nhiều mặt khác nhau như quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế... nhưng hiện nay hoạt động thanh tra không có sự thống nhất giữa các ngành. Mỗi ngành lại có thanh tra riêng của sở và kế hoạch thanh tra các DN không có ai cầm trịch. Vì thế có tình trạng chỉ trong một quý, có DN phải tiếp đến 5 đoàn thanh tra khác nhau về cùng một dự án.

Mặc dù gần đây, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo làm sao để mỗi năm DN chỉ phải tiếp thanh tra 1 lần. Song thực tế tình trạng thanh tra chồng chéo vẫn diễn ra thường xuyên. Ông Hiệp nói: “Chúng tôi đề nghị, cần có quy định do thành phố chỉ đạo thực hiện như lịch thanh tra phải được thành phố thông qua theo nguyên tắc 1 lần/năm, không thanh tra tùy tiện, gây mất thời gian cho DN”.

Nêu lên những bất cập về luật mà DN đang phải gánh, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Luật 69/2014/QH2013 quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của EVN quy định, các dự án đầu tư xây dựng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công. Trường hợp vượt quá, EVN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định.

Như vậy, đối với các dự án nhóm A, không sử dụng vốn đầu tư công có giá trị từ 2.300 đến dưới 5.000 tỷ đồng sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định đầu tư. Hiện Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tuy nhiên, năng lực và thẩm quyền của chủ sở hữu/cơ quan đại diện chưa được quy định.

“Để tránh chồng chéo trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, gây lúng túng cho chủ đầu tư, chúng tôi kiến nghị cần phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định. Trong giai đoạn hiện nay, EVN đề nghị bộ quản lý ngành chủ trì thẩm định và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án này” - ông Nguyễn Tài Anh nói.

Chậm trễ thẩm định

Liên quan đến việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 59, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A tổ chức báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để có cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trường hợp dự án nhóm A đã có trong quy hoạch được phê duyệt đảm bảo các nội dụng quy định thì không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, hiện một số dự án nhóm A của Tập đoàn như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, thủy điện Trị An mở rộng... đủ điều kiện để không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc yêu cầu lập báo cáo này cùng với việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư sẽ làm kéo dài quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ đưa các nhà máy vào vận hành. Đại diện EVN cũng đề xuất sửa đổi các Nghị định có liên quan theo hướng cho phép EVN và các đơn vị không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án...

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, PGS TS Trần Chủng, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cho rằng, hiện nhiều chủ đầu tư phàn nàn về sự chậm trễ trong công tác thẩm định, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, cơ hội và việc giải ngân vốn đầu tư. Thực sự nội dung thẩm định cần thực hiện là khối lượng công việc rất lớn và với lực lượng công chức có hạn, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên sâu là không thể.

Vì thế, luật nên phân cấp theo hướng cơ quan chuyên môn của nhà nước (các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND tỉnh, thành phố) chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở; trong đó, đặc biệt coi trọng các điều kiện đảm bảo lợi ích của cộng đồng, an toàn sinh mạng, an ninh và an toàn môi trường.

Các nội dung khác có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Sự phân cấp này phải cụ thể (về nội dung thẩm định) và phù hợp cho các dự án khi sử dụng nguồn NSNN và nguồn vốn khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chồng chéo quản lý, kéo dài dự án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO