Chống dịch sốt xuất huyết: Cuộc chiến cam go

Duy Hưng 01/09/2017 21:55

Gọi công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện nay là “cuộc chiến giữa con người và con muỗi” với “lợi thế” nghiêng về con muỗi, chuyên gia đến từ Bộ Y tế cho rằng trong cuộc chiến cam go này, nếu không có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân sẽ thất bại hoàn toàn...


Bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định: “Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Nam Định là rất cao”.

Ngày 1/9, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại tỉnh Nam Định. Sau khi kiểm tra tại thực địa, chiều cùng ngày, Đoàn đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh...

Báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết: tính đến ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 2.664 bệnh nhân SXH, trong đó có 1.106 bệnh nhân nội địa (41.5%), 1.558 bệnh nhân ngoại lai (58.5%). Toàn tỉnh có 81 ổ dịch, riêng TP. Nam Định có tới 39 ổ dịch. Với số lượng bệnh nhân trên, Nam Định hiện đứng thứ 2 ở miền Bắc và đứng thứ 10 trên cả nước về số lượng người mắc SXH...

Để phòng chống dịch, thời gian qua ngành y tế và các đơn vị liên quan của tỉnh đã triển khai các biện pháp tuyên truyền toàn dân tham gia, thực hiện các đợt phun hóa chất, nhất là tại các ổ dịch. Tổ chức tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân. Thành công lớn nhất của tỉnh Nam Định là đến thời điểm này chưa để xảy ra việc bệnh nhân bị tử vong...

Tuy nhiên, theo bà Bùi thị Minh Thu, nguy cơ bùng phát dịch SXH tại tỉnh Nam Định là rất cao, do tỉnh vừa có mầm bệnh ở nội tỉnh vừa có nhiều mầm bệnh ngoại lai, đặc biệt là từ Hà Nội trở về; điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi, thích hợp cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển; tình hình dân cư ở địa phương thường xuyên có sự di biến động...


PGS, TS Trần Như Dương: “Phải diệt bọ gậy, bọ gậy và bọ gậy”; diệt “hằng ngày, hằng ngày và hằng ngày”.

Trong khi đó, ý thức tự giác, trách nhiệm của một bộ phận người dân trong việc tham gia phòng chống dịch chưa cao, còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Chính quyền ở một số địa phương trong tỉnh chưa vào cuộc quyết liệt...

Góp ý với công tác phòng chống dịch của tỉnh, PGS, TS Trần Như Dương -Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng muốn phòng chống dịch hiệu quả phải hiểu bệnh từ đâu mà có? Tác nhân gây bệnh, làm lây lan là gì? Từ đó mới biết cần phải làm gì để ngăn chặn?

Vị chuyên gia chỉ rõ: “Muỗi vằn hiện là thủ phạm chính gây ra và làm lan truyền bệnh SXH. Muỗi đẻ trứng, trứng nở thành loăng quăng, bọ gậy rồi phát triển thành muỗi ở bất cứ chỗ nào có nước đọng, ngay trong mỗi gia đình. Hoạt động đốt người của muỗi vằn thường diễn ra từ 6 - 9h sáng và từ 4 - 6h chiều; buổi trưa muỗi ít hoạt động và gần không hoạt động vào ban đêm...

Ông cho biết thêm: “Khả năng “duy trì nòi giống” của muỗi vằn rất cao. Chúng đẻ trứng ngay trên và bám chặt vào thành các dụng cụ đựng nước. Trứng muỗi chứa vi rút có thể tồn tại ở đó đến 6 tháng, xuyên cả qua mùa đông. Đến mùa sau, khi gặp điều kiện thuận lợi, có nước trứng lại tiếp tục nở ra bọ gậy, loăng quăng.

“Như vậy, bọ gậy, loăng quăng, muỗi được sản sinh ra từ chính quá trình sinh hoạt của mỗi người, mỗi hộ gia đình. Dù chỉ là vứt ra một cái lắp chai bia, quẳng ra một cái lọ, cái hộp còn đọng nước cũng có thể tạo ra một chỗ cho muỗi đẻ trứng, tạo ra một ổ bọ gậy”, ông khẳng định.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định muốn phòng chống bệnh SXH hiệu quả, dứt điểm thì biện pháp gốc, lâu dài là phải xử lý về mặt môi trường, cụ thể là phải diệt cho bằng được các ổ bọ gậy, loăng quăng.

“Việc này, nếu chỉ có một mình nhân viên y tế sẽ không bao giờ làm nổi mà phải có sự tham gia tích cực, hiệu quả của mỗi người dân, mỗi gia đình. Cụ thể là mỗi người dân phải diệt “bọ gậy, bọ gậy và bọ gậy” và phải diệt “hằng ngày, hằng ngày và hằng ngày” tại chính gia đình mình. Không có sự tham gia tích cực, hiệu quả của mỗi người dân, mỗi gia đình, cuộc chiến phòng chống SXH sẽ thất bại hoàn toàn. Phòng chống SXH thực chất là cuộc chiến giữa con người và con muỗi”, ông nhấn mạnh.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc.

Về biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, PGS, TS Trần Như Dương khẳng định đây là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, ông lưu ý phun hóa chất chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành, theo cách “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” và chỉ có tác dụng trong vòng 1 - 2h, không có tác dụng gì trong việc diệt bọ gậy. Nếu một khu dân cư có 100 hộ dân mà chỉ phun được 90 hộ, còn 10 hộ không phun thì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, vì muỗi sống không có biên giới. Hơn thế, mùa dịch kéo dài tới vài tháng, không có lực lượng nào có thể phun thuốc thường xuyên, liên tục được. Do vậy, biện pháp căn bản vẫn phải là tập trung diệt bọ gậy, theo nguyên lý “không có bọ gậy, loăng quăng thì không có SXH”...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch SXH của tỉnh Nam Định. Đến nay tỉnh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chưa để xảy ra việc để bệnh nhân bị tử vong. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, với đặc thù của địa phương, Thứ trưởng nhận định sang tháng 9 - thời điểm được cho là đỉnh của dịch SXH - tình hình dịch SXH ở Nam Định sẽ diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn nhiều địa phương khác.

Từ đó, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị chính quyền tỉnh phải tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch; đặc biệt là ở cấp chính quyền cơ sở; các ban ngành của tỉnh cần tăng cường trách nhiệm phối hợp, không chỉ trông chờ vào ngành y tế.

Ông cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch SXH, về các biện pháp cụ thể để tích cực tham gia, phòng chống, cần nhất là mỗi người, mỗi gia đình làm tốt việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy. Ngoài diệt loăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình, tỉnh cần trú trọng việc này ở các vùng đất xen kẹp, các khu đất công cộng, công trường xây dựng. Đi liền với đó là tổ chức tốt việc phun hóa chất diệt muỗi, có sự kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân, hỗ trợ công tác này cho tuyến y tế cơ sở.



Hình ảnh từ các ổ dịch sốt xuất huyết tại Nam Định.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết Bộ sẽ cử hai đội chuyên gia về nằm vùng tại địa phương để vừa hướng dẫn vừa giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH tại Nam Định; cấp thêm cho tỉnh 500 lít hóa chất, 10 máy phun để phục vụ công tác phòng chống dịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch sốt xuất huyết: Cuộc chiến cam go

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO