Cuộc chiến chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước phát động được toàn dân hưởng ứng. Đó là cuộc chiến không khoan nhượng với giặc nội xâm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Những con số “thay lời nói” đã thể hiện sự quyết tâm.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu.
Nếu như trước đây đã có những “vùng cấm” hay “tắm từ vai trở xuống” thì đến nay dường như đã không còn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đảng đã cho thấy sự quyết tâm khi đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 người là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Điều đáng nói là nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ...
Vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương liên quan đến tướng lĩnh ngành Công an; những vụ vi phạm đất đai liên quan đến tướng lĩnh Quân đội.
Những kết quả đạt được về công tác chống tham nhũng thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Kết quả đó giúp cho lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đã đề ra, đạt tăng trường GDP 6,81% là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa được như kỳ vọng, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Điều đó thể hiện ở việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, mà kể đến là khâu tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp.
Trong hàng tá nguyên nhân, thì nguyên nhân cơ bản của những hạn chế được xuất phát từ “chủ quan” thay vì “khách quan” do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình, cơ quan mình.
Chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 13-7 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), quy định thu thuế thu nhập cá nhân với tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý vẫn là vấn đề nhận được nhiều sự băn khoăn trước câu hỏi: Thu thuế 45% hay tịch thu?
Bởi nó không chỉ là biện pháp để ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng từ gốc mà còn giúp ích trong quá trình xử lý khi thu hồi lại tài sản nếu chứng minh được do tham nhũng mà có.
Tuy nhiên chọn phương án nào cũng còn khó khăn.
Nói như bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nếu tính tổng hợp chi tiết các ý kiến đề xuất của ĐBQH thì có đến...10 phương án.
Do đó, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn đã đưa ra đề xuất: Nếu kê khai không trung thực thì việc đầu tiên là phải xử lý kỷ luật đồng chí đó.
Còn tài sản để pháp luật hiện hành xử lý. Như thấy vi phạm về thuế thì xử lý thuế; còn có dấu hiệu hình sự thì chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ.
Đề xuất của ông Phàn hoàn toàn có lý khi việc đầu tiên là “cần xử lý cán bộ vì sự không trung thực”.
Pháp luật bất vị thân, là không có vùng cấm, và không ai được đứng trên pháp luật. Nhưng để xử lý đúng người, đúng tội rất cần những căn cứ pháp luật làm “chuẩn thước”.
Chính vì vậy, trong phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Thế nhưng trong khi chờ hoàn thiện hệ thống pháp luật, về trước mắt cũng như căn cơ chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Chỉ khi nào làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, hay biến “hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”như lời Bác Hồ đã căn dặn thì hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng mới thực sự thành công, lấy dân làm gốc và lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân.
Mà muốn vậy, phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo, cũng như công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát.
Để bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.