Huế đang trải qua những ngày nắng nóng khốc liệt, nhiệt độ có lúc lên đến 39 độ C. Dù nắng như vậy nhưng nước sông Hương không bị nhiễm mặn hẳn là một câu chuyện thần kỳ. Chỉ những ai nặng lòng từng dõi theo quá trình chỉnh trị sông Hương sẽ hiểu rõ ngọn nguồn tạo nên sự thay đổi đó.
Đập mới Thảo Long.
Như nhiều người biết, sông Hương nhiễm mặn là do nguồn nước biển từ cửa biển Thuận An trào lên. Năm 1978, những người làm công tác thủy lợi đã chọn Thảo Long, điểm nối giữa hai xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) và Hương Phong (thị xã Hương Trà) làm điểm ngăn mặn. Nhưng kể từ sau năm 2000, do đáy của đập Thảo Long bị xói lở, cửa đóng bị hen rỉ, gặp năm hạn hán kéo dài mặn dễ dàng xâm nhập lên sông Hương.
Năm 2002 mặn đã vượt quá nhà máy nước Vạn Niên đến 6 km. Trước đề nghị của Thừa Thiên-Huế, Chính phủ đã đồng tình đầu tư 152 tỷ đồng xây dựng đập mới Thảo Long.
Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á, do GS.TS Trương Đình Dụ làm chủ đề tài thiết kế. Năm 2001 thi công và đến cuối năm 2007 Bộ NN&PTNT bàn giao cho Thừa Thiên-Huế sử dụng. Nhờ cửa van lớn được điều khiển hiện đại bằng máy tính nên công trình đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và ngăn mặn kịp thời cho sông Hương.
Trong khi công trình ngăn mặn sông Hương chuẩn bị bàn giao, thì cuối năm 2005, hồ chứa nước Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương chính thức khởi công.
Để có dung tích chứa 650 triệu m3 nước, các đơn vị thi công đã đắp con đập dài hơn 1 cây số với chiều cao lớn nhất lên tới 56m và Chính phủ đã đầu tư vào đây gần 4.000 tỷ đồng để ngăn dòng xây hồ Tả Trạch.
Khi hoàn thành, ngoài tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.800 ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng 2m3/s, đồng thời bổ sung 2,5m3/s để đẩy mặn cho sông Hương vào mùa hè thì với sức chứa đến 650 triệu m3 nước, hồ Tả Trạch sẽ giúp Huế thoát được lũ tiểu mãn. Riêng lũ chính vụ, vùng hạ lưu sông Hương khi có lũ thông thường sẽ giảm từ 1,1 - 1,5m.
Từ cuối năm 2014 đến nay người dân vùng Thành nội-Huế đã cảm nhận được giá trị do công trình mang lại khi hồ Tả Trạch bắt đầu tích nước, dù công trình dự kiến đến cuối năm 2016 này mới bàn giao.
“Có được kết quả như hôm nay là cả một chặng đường đầy trăn trở, nỗ lực đấu tranh của các thế hệ cán bộ qua nhiều thời kỳ bởi hồ Tả Trạch được nghiên cứu, quy hoạch từ nhiều thập kỷ trước và đến năm 2005 được triển khai xây dựng, đó là quá trình kế thừa và phát triển của bao thế hệ đàn anh đi trước”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã phát biểu như thế tại lễ chặn dòng Tả Trạch năm 2012.
Ngoài hồ chứa Tả Trạch, vào mùa hè sông Hương thường xuyên tiếp nhận nguồn của hồ thuỷ điện Bình Điền có dung tích trên 400 triệu m3 nước.
Ngăn mặn ở hạ lưu, chặn dòng tích nước ở thượng lưu. Tất cả đã góp phần làm cho sông Hương mùa hè ăm áp nước, không còn lơ lớ như trước. Đó là những dòng nước mát, ngọt thơm nặng nghĩa tình.
Chính nhờ có những hồ chứa ở thượng lưu mà những ngày đầu tháng 5 này, khi nồng độ mặn ở vùng ven cửa Thuận An đã lên đến 30 phần nghìn làm cho nhiều lồng cá nước lợ ngắc ngư hoặc chết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định cho tháo 3 cửa ngăn ở đập Thảo Long để mang nguồn nước ngọt sông Hương bổ sung cho đầm phá.
Theo đó, từ chiều ngày 3/5 đến nay Công ty quản lý và khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế đã mở 3 cửa của con đập Thảo Long để xả nước ngọt từ sông Hương và sông Bồ bổ sung cho vùng nước lợ Tam Giang-Cầu Hai.
Với lưu lượng 6 triệu mét khối nước một ngày, đến nay, đã có 24 triệu mét khối nước đổ về vùng hạ du, góp phần làm giảm đáng kể độ mặn ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Ông Ngô Trợ, Phó giám đốc Công ty quản lý và khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết: sau 4 ngày (từ 3 - 6/5) độ mặn ở phá Tam Giang đã giảm xuống còn 20 phần nghìn. Nhờ môi trường nước được cải thiện nên cá nước lợ nuôi lồng trên phá Tam Giang, sát cửa biển Thuận An đã bớt ngắc ngư.
Có trải qua những ngày hè khô hạn, mới thấm giá trị của những dòng nước mát ngọt nghĩa tình và cả tầm nhìn xa trông rộng của nhiều thế hệ nặng lòng với sông Hương.