Đến thời điểm này, tại Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán và xâm nhập mặn vẫn diễn biến khó lường. Các địa phương trong vùng chủ động ứng phó nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, với những gì đã và sẽ còn diễn ra thì bài toán về giữ nước ngầm, nước mặt và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, hiệu quả vẫn cần phải tiếp tục đặt ra.
Dự báo, đến giữa tháng 5, Tây Nam bộ sẽ đón đợt hạn mặn mới. Trong khi nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài, mùa mưa đến muộn vào cuối tháng 5. Người nông dân như ngồi trên đống lửa.
Những năm trước, chuẩn bị đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiệt độ không khí và độ mặn nước các con sông ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng hay Bạc Liêu đã giảm rất nhiều, bên cạnh đó là những cơn mưa giải nhiệt. Thế nhưng đã qua tuần đầu tiên của tháng 5/2024, nhiệt độ ở miền Tây Nam bộ vẫn nóng rát, các con kênh đang cạn kiệt nước dần, độ mặn giảm rất nhẹ.
Mặn giảm nhẹ nhưng nắng nóng vẫn gay gắt
Cà Mau, tỉnh cuối cùng của cực Nam, những ngày qua đang phải chống chọi với cái nắng gay gắt. Các tuyến kênh, rạch ở TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời đã cạn kiệt trơ đáy. Hơn 45.000ha rừng đang trong tình trạng khô hạn nặng, trong đó khoảng 31.000ha ở mức cảnh báo cháy cấp 5.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - ngụ huyện Trần Văn Thời cho biết, nhiều tuyến kênh rạch ở huyện Trần Văn Thời giờ đã khô trơ đáy, ghe xuồng không thể đi lại được. Còn đường bộ thì nhiều nơi bị sụt lún, sạt lở khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Hạn hán gây thiệt hại nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.
Tình trạng nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương khiến cho hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tại tỉnh Long An, hiện có khoảng 5.000 hộ dân ở Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt. Còn tại Cà Mau, có hơn 2.600 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt ở huyện U Minh, Trần Văn Thời. Ở Bến Tre, mặc dù đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho người dân sử dụng, song đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Nắng nóng gay gắt đã làm cho mực nước trên các sông, kênh, rạch xuống thấp, khiến cho đất bị co ngót dẫn đến tình trạng sụt lún, lở đất ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã có tới 601 điểm sụt lún, sạt lở tại 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài gần 16km. Với tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự báo, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh rất có thể sẽ xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông gây khó khăn cho giao thương hàng hóa.
TP Cần Thơ mặc dù ít bị ảnh hưởng hơn, tuy nhiên để tránh thiệt hại do diễn biến phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn, địa phương này cũng đã chủ động triển khai các giải pháp. Ông Nguyễn Quý Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, các ngành chức năng phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nồng độ mặn ở các sông, kênh rạch, đồng thời cảnh báo giúp người dân chủ động lấy nước, tích trữ nước. Cần Thơ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình thủy lợi không để xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Theo ông Đặng Hoàng Lam - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, dự báo mùa mưa năm 2024 bắt đầu ở mức xấp xỉ và muộn hơn trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 6-10. Thời gian chuyển mùa: nửa cuối tháng 5. Trong khi đó ngày kết thúc mùa mưa muộn hơn trung bình nhiều năm, vào 10 ngày cuối tháng 11/2024. Khu vực tỉnh Bến Tre vẫn còn nắng nóng, có nơi xuất hiện nắng nóng gay gắt. Trong thời gian này, khả năng thiếu nước ngọt cục bộ trong sinh hoạt và sản xuất.
Nông dân thiệt hại do “xé rào”
Do giá lúa thời gian qua tương đối cao, nhiều hộ dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đã chủ động “xé rào” bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, gieo xạ sớm vụ Hè Thu nên những ngày qua đang đứng ngồi không yên khi nguồn nước ngọt tưới tiêu không có, lúa đang bị ngả màu thoi thóp, cứ đà này nếu thời tiết nắng nóng kéo dài khoảng 1 tuần nữa sẽ có nguy cơ mất trắng.
Vùng ngọt tam giác Ninh Quới của huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) do người dân tự ý gieo xạ sớm vụ Hè Thu, hơn 4.000ha hiện đang “thoi thóp” chờ nước tưới. Ông Nguyễn Văn Tẽn (ấp Ninh Trài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) lo lắng, vụ này ông canh tác hơn 2ha lúa giống Đài Thơm 8, hiện lúa đã được hơn 1 tháng tuổi. Những ngày qua lúa có dấu hiệu mất sức do thiếu nước. “Nếu trời cứ tiếp tục nắng nóng kéo dài vài ngày nữa, 2ha lúa sẽ chết, không thể cứu vãn” - ông Tẽn cho biết.
Tương tự ở huyện Trần Đề và Long Phú của Sóc Trăng, nhiều hộ dân cũng bất chấp gieo xạ sớm vụ Hè Thu nên thiệt hại đã xảy ra. Ông Danh Phúc (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) những ngày qua ngóng mưa sót ruột, để cứu vãn 2ha lúa Hè Thu, ông phải đem theo nước ngọt từ nhà ra đồng pha với thuốc phun để cứu lúa khỏi bị ngộ độc mặn. “Năm nay thấy giá lúa cao nên tôi cùng nhiều người dân ở đây làm liều xuống giống vụ Hè Thu. Nào ngờ sau hơn 1 tháng, hạn mặn nghiêm trọng, thiếu nước tưới, lúa khô dần nên dân ở đây lại liều bơm nước mặn vào đồng. Vài ngày sau, lúa chết dần, số nào chịu được thì cũng èo uột, bông nhỏ, hạt lép” - ông Phúc chia sẻ.
Huyện Long Phú có hơn 6.000ha lúa Hè Thu người dân tự ý xuống giống. Đến nay, thống kê sơ bộ đã có hơn 1.000ha bị thiệt hại do thiếu nước ngọt, nhiều diện tích mất trắng. Ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, năm nay do giá lúa cao nên nhiều bà con bất chấp khuyến cáo “xé rào” xuống giống vụ Hè Thu, dù ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo không nên.
Để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân, ngành chức năng của huyện Long Phú đã linh hoạt canh thuỷ triều, độ mặn để vận hành đóng mở hệ thống cống nhằm đưa nước ngọt vào cho bà con bơm tưới lúa. Vì vậy diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại đã được kéo giảm rất lớn.
Cũng như các năm trước, đến đợt hạn, mặn các huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu là những địa phương tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng ruộng khô nước, đất nứt nẻ, nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào các sông, kênh rạch gây khó khăn cho việc lấy nước sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân. Một số khu vực ven biển xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
(Còn nữa)