Ngày 21/3, tại Cà Mau, gần 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng tham dự Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực. Do đó, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư thông qua các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp; hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên...
“Bộ NN-PTNT cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc quốc gia WWF-Viet Nam - cho biết, WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ĐBSCL như: mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
“Từ kết quả bước đầu đã đạt được, WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác về mô hình này, để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát biển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và thiên nhiên”, ông Thịnh thông tin thêm.
Thông qua hội nghị lần này, các đối tác quốc tế như: EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên. Các bên liên quan cũng đề xuất nhiều giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.