Chống tham nhũng: Cần giơ cao đánh trúng

Mai Loan 03/12/2018 16:23

Công lý phải được thực thi đến cùng, tức là phải xử lý những đối tượng, những con người có hành vi tham nhũng nhưng đồng thời tài sản chiếm đoạt phải được thu hồi trả lại cho nhân dân nên công tác thu hồi tài sản do tham nhũng có ý nghĩa rất lớn”- Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

Chống tham nhũng: Cần giơ cao đánh trúng

1. Hôm 21/11, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về mặt trái trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Đó là chuyện sân trước, sân sau của doanh nghiệp. “Không những 1 sân trước mà 4,5 “sân sau”. Tôi nói các đồng chí đang ở đây tôi không tiện nói tên, có ông 14 -15 cái sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết”, Thủ tướng nói.

Chuyện sân trước, sân sau mà Thủ tướng nói đến chính là một góc khuất trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và không loại trừ doanh nghiệp nhà nước; mà nhìn rộng ra, hiện tượng ấy có thể dẫn đến tệ tham nhũng.

Tham nhũng vốn là một vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ tham nhũng đã làm cho tình hình chính trị bê bối, thể chế suy yếu và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng gây tổn hại đến kinh tế, băng hoại xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống trong xã hội hiện tại và tương lai. Ở ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo tham nhũng là giặc nội xâm. Đảng ta gọi đó là nguy cơ đối với một đảng cầm quyền là thách thức, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng đe dọa sự tồn vong của chế độ, tồn vong của quốc gia dân tộc, là những lực cản nặng nề nhất cho sự phát triển, làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân. Tệ tham nhũng đã được cử tri và nhân dân có ý kiến nhiều lần.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân. Tham nhũng lãng phí từng bước được kìm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, Đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình thì tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Lợi ích nhóm, sân sau của những người có trách nhiệm cũng là vấn nạn gây bất công, tạo bức xúc trong dư luận.

2. Trong cuộc kiểm tra tại Thành ủy Đà Nẵng chiều 22/11, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo- trưởng đoàn kiểm tra đã nhấn mạnh quan điểm về chống tham nhũng: “Công lý phải được thực thi đến cùng, tức là phải xử lý những đối tượng, những con người có hành vi tham nhũng nhưng đồng thời tài sản chiếm đoạt phải được thu hồi trả lại cho nhân dân nên công tác thu hồi tài sản do tham nhũng có ý nghĩa rất lớn”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Vấn đề khác được nêu tại cuộc làm việc chính là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đang là một yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ không thể tách rời của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nó được đánh giá là có tác động tích cực đến việc phòng ngừa tham nhũng và đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của công tác này.

Về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Chính phủ cũng đã thẳng thắn đánh giá là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại. Tuy nhiên, rất tiếc là báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm nay, Chính phủ chưa đưa ra được tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là bao nhiêu để so sánh với chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung số liệu về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng để có cơ sở đánh giá hiệu quả, đồng thời cũng là căn cứ để phấn đấu cho những năm tiếp theo.

Về nguyên nhân, trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng mà Chính phủ mới báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 khóa XIV cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đó là do đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và có quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm còn bất cập, gây khó khăn cho việc phát hiện, thu hồi, v.v... Như vậy, báo cáo đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến cho tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp nhưng tôi cho rằng có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là do chúng ta chưa có cơ chế để ngăn chặn dẫn đến đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc.

3. Quyết tâm đã có và cần khẳng định đứt khoát, Đảng, Quốc hội và Chính phủ có nhiều giải pháp tích cực để phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, không thể nôn nóng, ảo tưởng, muốn diệt hết ngay tham nhũng trong một thời gian ngắn; thậm chí là phải tiêu diệt nhanh gọn. Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Nhận thức được điều này, để Đảng ta có tầm nhìn biện chứng, bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có phương pháp, có trí tuệ, không vì sự lây lan của nạn tham nhũng mà phủ nhận cục diện tốt đẹp đầy triển vọng của đất nước ta hiện nay. Cũng không nên có cách nhìn cực đoan vì đây là những yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế và cũng là kẽ hở để cho kẻ phản quốc gây rối, nói xấu, kích động trong quần chúng nhân dân.

Nói thế cũng không phải để tô hồng mà cần cảnh giác, không loại trừ việc, tham nhũng đang trà trộn, ẩn nấp trong hàng ngũ đảng viên là thiểu số; mà nói như Thủ tướng, nó rất có thể nằm trong bộ phận nào đó với những sân trước, sân sau dù không phải là đại bộ phận đảng viên; nhưng một con sâu cũng có thể làm rầu nồi canh.

Vậy giải pháp nào để kiểm soát tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao, để chống tham nhũng không phải là giơ cao đánh khẽ mà phải là giơ cao đánh trúng!?

Cách tốt nhất là, khẩn trương triển khai các chủ trương của Đảng theo hướng thực hiện quy định nêu gương của Đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về tham nhũng.

Người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm cam kết không tham nhũng, không để vợ, con, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, làm ăn bất chính. Bản thân cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm dụng, vay mượn tài sản của các đối tượng để quản lý trái pháp luật. Phải thực hiện nghiêm việc kê khai đúng tài sản của mình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nghiêm các vụ án. Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực hoặc nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân sai phạm. Cùng với đó, cần một cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng nhanh nhất có thể- đó là các quy định của pháp luật về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời về kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tài sản của các đối tượng liên quan đến tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Cần giơ cao đánh trúng