Ngày 7/9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT”. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm đã chỉ ra giải pháp để quản lý BOT một cách chặt chẽ.
Cả nước có tới 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ.
Nhiều trạm thu phí do địa phương dễ “thống nhất”
Trước 2 vấn đề bị phản ứng dữ dội nhất hiện nay liên quan đến BOT là vị trí đặt trạm thu phí và giá phí, Bộ Giao thông vận tải có thống kê bao nhiêu trạm thu phí có tính chất giống như Cai Lậy? Hay việc nhà đầu tư trải thảm lại 1 đoạn quốc lộ và đầu tư mới 1 đoạn ngắn đường tránh nhưng sau đó lại đặt trạm thu phí trên quốc lộ?
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Chúng ta đã triển khai các dự án BOT từ trước năm 2007, cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, 8 trạm thu phí đặt trên quốc lộ để thu phí cho những tuyến tránh, trong đó có 5 trạm tận dụng các trạm thu phí cũ, 3 trạm còn lại bao gồm trạm Cai Lậy, Sóc Trăng và Trảng Bom. Theo ông Nhật, 3 trạm này đặt trạm thu phí đã tuân thủ quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Riêng với đoạn Quốc lộ 1 qua thị xã Lai Cậy là tuyến đường huyết mạch, các xe đi hướng Tây Nam Bộ đều phải qua đoạn đường này, bởi vậy thường xảy ra ùn tắc. Nếu đầu tư mở đường sẽ rất tốn kém nên Bộ đã quyết định làm đường tránh qua Lai Cậy. Tuy nhiên, sau khi các tài xế phản đối việc đặt trạm và thu phí không hợp lý, giá phí qua trạm đã được cắt giảm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, hiện nay tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ đã thi công xong giai đoạn 1 chỉnh sửa mặt đường cũ, nhà đầu tư đang tiến hành giai đoạn 2 mở rộng thêm 2 làn ở 2 bên. Đây là trạm BOT đầu tiên có sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án.
Cơ quan quản lý đã phát hiện một số cơ quan, đơn vị của nhà đầu tư đã cố tình không thực hiện đúng quy định về báo cáo kết quả kiểm xe, doanh số đếm xe. Việc doanh nghiệp thu phí tại đây sau khi trải thảm mặt đường là đúng, nhưng việc thu phí mặt đường mới là không hợp lý. Do đó cần chỉnh sửa cho phù hợp, hài hòa. Đối với việc đếm xe của các doanh nghiệp cũng phải dựa vào quy định của Bộ Giao thông vận tải về quản lý tập trung.
Ông Kiên phân tích thêm: Trên cả tuyến Pháp Vân-Ninh Bình, đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ có lưu lượng xe cao hơn đoạn Cầu Giẽ-Cao Bồ. Vì thế các nhà đầu tư đã lợi dụng điều này và tạo ra sự “lập lờ”; sự việc này sau đó đã bị phát hiện. Do đó để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng thì Nhà nước nên nhượng quyền quản lý cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó nhà đầu tư cần dựa vào cả lợi nhuận và mặt bằng của các dự án khác để thu phí phù hợp với lợi ích của người dân.
Thẳng thắn chỉ ra những kẽ hở “cốt yếu”, ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT, ông Đoàn Huy Vinh cho biết: Vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 60 dự án và thấy một số bất cập về cơ chế chính sách. Thứ nhất quy định về thu phí khi đa phần các dự án bị thu phí hở, tạo ra sự không công bằng.
“Ví dụ, một người dân đi đường ngắn phải trả phí bằng cả người đi hết đoạn đường BOT”-ông Vinh bày tỏ. Thứ hai, trạm thu phí trước năm 2009 vị trí đặt không đúng phạm vi dự án, khoảng cách trạm không đảm bảo 70km.
Công khai minh bạch trong đấu thầu
Theo Tổng Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc Nguyễn Văn Bắc, để ngăn chặn tình trạng chỉ định thầu, lợi ích nhóm, cơ chế xin-cho, ông Bắc đưa ra hai vấn đề: Giải quyết vốn và công tác quản lý. Về giải quyết vốn, lập dự án phải là nhà nước. Từ đó xác định được khoảng chi phí phải bỏ ra và xác định được giá thu phí ban đầu. Vấn đề này cần đưa ra đấu thầu để đảm bảo sự minh bạch và đạt được sự đồng thuận của nhân dân.
“Việc đưa ra đấu thầu sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư. Trước đây, các dự án BOT lớn của nhà nước thường được các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện dẫn đến tình trạng ép giá. Việc này có thể được giải quyết bằng cách chia nhỏ các dự án để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các dự án BOT”-ông Bắc nói.
Một số ý kiến đề nghị, cần hoàn thiện chính sách, cơ chế về BOT để trình Quốc hội. Các Nghị định về đối tác công tư cần nâng lên thành Luật, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đặc biệt là công tác giám sát của người dân.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nhật cũng cho biết: Bộ đã tổng kết 5 năm thực hiện BOT, đã nhận ra cái được và chưa được, và đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội. “Quan trọng là phải đấu thầu rộng rãi, rút kinh nghiệm từ chỉ định thầu vừa rồi để xem xét lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tính công khai minh bạch” - ông Nhật nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trong kiến nghị của đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện dự án BOT phải có văn bản nâng Nghị định về BOT lên thành Pháp lệnh hoặc Luật để có tính pháp lý cao hơn.