Chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em: Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt

Chu Anh 03/03/2017 07:00

Thời gian gần đây, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em (PN&TE) qua biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Bằng những biện pháp nghiệp vụ nhạy bén, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh biên giới phía Bắc đã phát hiện, phối hợp triệt phá hàng trăm vụ án, giải cứu được hàng nghìn người, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tổ chức tuyên truyền cho bà con về tội phạm buôn bán PN&TE.

Những con số ở mức báo động

Có mặt tại thôn Chí Sáng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi vô cùng bàng hoàng khi nghe chuyện 7 em học sinh lớp 9 của thôn bị lừa bán sang Trung Quốc. Mặc dù đã hơn hai tuần kể từ lúc được lực lượng chức năng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Lào Cai giải cứu nhưng em Tẩn San Mẩy, sinh năm 2003, người dân tộc Dao - một trong số những nạn nhân của vụ án vẫn chưa hết lo sợ. Mẩy cho biết, chỉ vì thiếu hiểu biết mà em cùng nhóm bạn của mình đã bị đối tượng Tẩn Tả Mẩy, là người trú cùng thôn dụ dỗ, rủ đi ăn sinh nhật rồi lừa bán sang Trung Quốc.

Thiếu tá Nguyễn Bình Trọng - Phó đồn trưởng Đồn BPCKQT Lào Cai cho biết sự việc: Ngày 10/2/2017, tại khu vực cột mốc 104, cạnh sông Nậm Thi, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Lào Cai đã phát hiện, bắt giữ nhóm người đang có hành vi vượt biên trái phép. Đối tượng Tẩn Tả Mẩy cầm đầu khai đã dùng mạng xã hội zalo để lừa đưa 7 học sinh trên sang Trung Quốc để bán với giá 5 triệu đồng/người để các đối tượng bên kia biên giới ép các nạn nhân làm gái mại dâm hoặc bán làm vợ người Trung Quốc…

Thượng tá Tống Chính Phúc - Phó trưởng phòng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết: Những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, chủ yếu là PN&TE gái trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai tuy giảm về số vụ, đối tượng và nạn nhân, song vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các vụ việc chủ yếu tập trung ở một số huyện biên giới như: Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai…

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng BĐBP tỉnh Lào Cai đã phát hiện, xử lý 13 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ ban đầu, chuyển tuyến an toàn cho 26 nạn nhân. Hầu hết các nạn nhân trong các vụ việc đều còn rất ít tuổi, nhiều đối tượng đang là học sinh cấp 2. Ngoài ra còn có một số nạn nhân do thiếu hiểu biết pháp luật, cộng với bản tính ham chơi, lười lao động, tâm lý muốn kiếm tiền nhanh nên đã bị các đối tượng tội phạm tìm cách làm quen, rồi lừa qua biên giới bán. Có những đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ liên tiếp mới bị phát hiện, bắt giữ.

Theo số liệu thống kê của Bộ tư lệnh BĐBP, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, lực lượng BĐBP bảy tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, đã phát hiện, phối hợp xử lý 1.543 vụ án liên quan đến hành vi buôn bán PN&TE qua biên giới, giải cứu được hơn 3.100 nạn nhân. Các tỉnh phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán PN&TE qua biên giới là: Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn…

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó tư lệnh BĐBP là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chỉ đạo đấu tranh với các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn biên giới cho biết: Trong những năm qua các đối tượng đã triệt để lợi dụng địa hình đồi núi, sông suối, các đường mòn, mối quan hệ dòng họ, huyết thống lâu đời hoặc quen biết, các đối tượng đã thực hiện nhiều vụ lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Không ít nạn nhân đã trở thành “vợ bất đắc dĩ” cho người nước ngoài hoặc làm gái mại dâm trong các nhà chứa.

Các đối tượng phạm tội đã tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh nội địa. Cùng với những thủ đoạn như: lợi dụng lòng tin, tình cảm yêu đương, hoàn cảnh khó khăn, tâm lý ham làm giàu, sự kém hiểu biết về pháp luật…

Thời gian gần đây, các đối tượng hoạt động trong loại hình tội phạm buôn bán PN&TE đã triệt để sử dụng các loại mạng xã hội như facebook, zalo… để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt và hứa giới thiệu công việc có thu nhập cao hoặc lợi dụng phong tục kéo vợ của người Mông để giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn, đưa đi thăm gia đình, đi chơi, đi sinh nhật… sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân đến khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán.

Cũng có những đối tượng trước kia là nạn nhân, qua tháng năm “hành nghề”, bị cám dỗ bởi đồng tiền, sau đó đã tiếp tay vận động những kẻ xấu đưa người qua biên giới trái phép, hình thành đường dây buôn bán người có tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý và giải cứu nạn nhân.

Cũng theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, để tránh sự phát hiện, truy bắt của các lực lượng chức năng, thời gian gần đây các đối tượng đã thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động với các chiêu trò ngày càng tinh vi, xảo quyệt như: Môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu giả và lợi dụng kẽ hở trong việc cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu cho nhân dân khu vực biên giới hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên giới...

Tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP cho biết: Để đấu tranh hiệu quả và ngăn ngừa các loại hình tội phạm này thì bên cạnh việc chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị như BĐBP, công an, hải quan… phát huy tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn nội, ngoại biên, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, kịp thời phát hiện đấu tranh, xử lý có hiệu quả với tội phạm mua bán PN&TE qua biên giới; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán người qua biên giới và tập trung phát hiện sớm, giải cứu nạn nhân trước khi bị đưa sang bên kia biên giới.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có sự chỉ đạo đối với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể để phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ con em mình trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm. Đồng thời cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần tích cực triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng địa bàn vững mạnh, nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới cũng như những khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em: Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt