Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên ít mưa, các dòng sông dòng suối ít nước, cây trồng khó phát triển, trong đó có cây cà phê. Chính vì vậy, ngay từ lúc này chính quyền và bà con nơi đây đã chủ động phòng chống hạn cho cây trồng, nhất là cây cà phê.
Tưới cho cây cà phê.
Huyện Krông Nô (thuộc tỉnh Đắk Nông) nằm ở sườn Tây của lưu vực sông Krông Nô, với các suối chính là Đắk Sor, Đắk Mâm, Đắk Nang, Đắk Rồ, Đắk P’ri... Thuận lợi là vậy nhưng do không có các hồ chứa lớn để tích nước nên chính quyền nơi đây phải cùng ngành nông nghiệp và các xã khắc phục hạn chế này bằng cách tận dụng nguồn nước từ các dòng suối để chặn dòng, tạo nên đập ngăn nước.
Được biết, huyện đã xây dựng được 29 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở các xã, thị trấn phục vụ nước tưới cho hàng ngàn ha cây trồng, nhất là ở các xã Buôn Choáh, Nâm N’đir, Đức Xuyên, Quảng Phú, Nam Đà, Đắk D’rô, Đắk Sôr, Tân Thành, Nam Xuân, Nam Nung và thị trấn Đắk Mâm.
Chính hệ thống kênh mương được bê tông hóa này đã giúp người dân chủ động nước tưới cho vật nuôi, cây trồng cũng như sinh hoạt.
Nói như người dân thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh thì hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ đã tạo nguồn nước tưới ổn định, giúp người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, không lo thiếu nước tưới. Ngay cả năm nay, với cây cà phê thì người dân cũng không quá lo lắng kể cả khi nắng nóng kéo dài.
Còn tại Lâm Đồng, sau hơn 2 tháng trời không mưa đã khiến hàng chục ngàn ha cà phê tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và thành phố Bảo Lộc đang thiếu nguồn nước trầm trọng dẫn đến rũ lá, khô bông. Từ những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, hàng ngàn hộ dân ở các địa phương trên đã phải căng mình tận dụng mọi nguồn nước để tưới chống hạn cho cà phê.
Nhất là tại các xã có diện tích cà phê lớn như Lộc Ngãi, Lộc Thành, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Đức, thị trấn Lộc Thắng… (huyện Bảo Lâm); Tân Châu, Tân Thượng, Tam Bố, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc… (huyện Di Linh); Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc), tình hình được coi là khá căng thẳng. Nhiều người dân phải kéo ống tưới cho cà phê. Một người trồng cà phê ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, cho hay: Gia đình ông có gần 2 ha cà phê đang dần héo lá, khô bông cần được tiếp. Do vườn ở xa suối, nên gia đình phải nối hơn 40 cuộn ống (tương đương hơn 1.000 m ống) mới đưa nước về tới vườn chống hạn cho cà phê. Cũng may mà nước trên suối Đại Nga vẫn đảm bảo đủ để bà con lấy.
Lãnh đạo xã xã Tân Thượng (huyện Di Linh) cho biết, người dân đang tập trung tận dụng nguồn nước suối và ao hồ tự đào để tưới chống hạn cho cà phê. Ngoài nguồn nước tự nhiên thì toàn xã đang có gần 170 ao hồ tự đào vừa và nhỏ đang cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho 90% diện tích cà phê của địa phương. Đây là đợt tưới đầu tiên trong mùa khô năm nay nên nguồn nước vẫn đủ để bà con chống hạn cho cà phê.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, nếu không chủ động chống hạn cho cây cà phê từ đợt tưới đầu tiên trong năm thì nguy cơ hao hụt sản lượng là khó tránh khỏi. Những năm gần đây, thời tiết biến đổi thất thường, nhiều khu vực hạn hán gia tăng, có khi vài tháng liền không có mưa. Vì thế, cách tốt nhất là bà con chủ động, hợp tác cùng nhau tìm kiếm nguồn nước cho diện tích cà phê của gia đình mình ngay từ bây giờ. Cùng đó, bên cạnh việc điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý để chống hạn, các địa phương cũng cần theo dõi sát sao tình hình hạn hán và dịch bệnh để có phương án đối phó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân.