Sau 1 năm ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đã trở nên kiệt quệ, nhưng vẫn hy vọng tình hình sẽ tốt hơn trong năm 2021. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, hơn ai hết các DN phải dự đoán được tình hình để từ đó lập kế hoạch cho tương lai, đồng thời xem xét các kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với từng hoàn cảnh.
Ông Nguyễn Văn Toản, đại diện một DN tại Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng DN vẫn tin ở sự phục hồi hậu Covid-19. “Tuy nhiên, nếu dịch không hoàn toàn được ngăn chặn, các DN nội địa có thể gặp nhiều bất lợi trong dài hạn vì tiềm lực họ chưa đủ mạnh. Nhìn vào con số các DN phá sản trong năm 2020 trên cả nước sẽ thấy rõ điều đó” - ông Toản nói.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Trần Anh Đức, chủ một DN chuyên sản xuất và xuất khẩu chè tại Lâm Đồng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tới nay, do bị ảnh hưởng của đại dịch nên nhiều đơn hàng xuất đi các nước đều bị từ chối hoặc hoãn lại. Trong khi đó, vẫn phải mất một khoản không nhỏ cho chi phí lưu kho, bảo quản, thậm chí đã có số hàng đã bị ẩm mốc. Bên cạnh đó, diện tích chè trên đồi lên đến hàng trăm ha của Công ty cũng không thể thu hoạch, bởi nếu thu hoạch cũng chẳng đủ kho bãi, phương tiện xử lý, bảo quản, dẫn đến bị hư hỏng, thất thoát rất nhiều.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế quốc tế TS. John Walsh, đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, Nhà nước cần lưu ý hỗ trợ các DN này.
Với ngành nông nghiệp Việt vốn đang phải chịu tổn thất khá lớn từ dịch bệnh, do vậy TS John đề xuất cần linh hoạt trong phương thức bán hàng, trong đó bán trực tuyến là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay. “Đây là hình thức mà một số nơi đã đang làm. Trung Quốc là một ví dụ cho thấy buôn bán nông sản trực tuyến có thể là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều chứng kiến số phương tiện chuyển phát tăng mạnh, DN vận hành theo cách này để duy trì hoạt động và dòng tiền còn hơn là cùng nhau đóng cửa, TS John Walsh nhấn mạnh.
Nhưng bắt đầu quy trình này ở Việt Nam “từ con số 0” sẽ rất khó khăn. Theo ông John, sẽ tốt hơn nếu đưa phương tiện vận chuyển hiện có trong chuỗi cung ứng ra vùng nông thôn, nơi có nhu cầu hoặc có thể đẩy mạnh nhu cầu. Một số nơi ở Việt Nam đã chủ động quảng bá giá trị gia tăng hiện có hoặc tiềm năng của sản phẩm địa phương.
“Một số nhóm và tổ chức sẽ có lợi khi có nhiều cơ hội hơn trong sản xuất và phân phối các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận. Người tiêu dùng Việt, cũng như người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới, đều có nhu cầu mua thực phẩm an toàn và sạch cho gia đình họ” - TS John nói.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá, năm 2020 là 1 năm đầy “sóng gió” nhưng cũng là 1 năm mà cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững của mình. Đối với những doanh nghiệp định hướng mô hình kinh doanh và chiến lược của mình theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch thì trụ vững khá tốt, thậm chí còn tìm cơ hội để phát triển. Còn những doanh nghiệp mà chưa thực sự chú trọng đến mô hình này thì, mỗi khi có biến động thị trường, lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phải phá sản, giải thể rút lui khỏi thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh mới, để trụ vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, buộc doanh nghiệp phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng. Đồng thời, nhu cầu chuyển đổi số, sáng tạo trong mô hình kinh doanh cũng là một trong xu hướng tiếp theo trong thời gian kế tiếp.