Theo thông tin mới nhất từ Sở GDĐT Hà Nội, sau Lễ khai giảng năm học mới trực tuyến vào ngày 5/9 tới đây, từ ngày 6/9, học sinh toàn thành phố sẽ bước vào học trực tuyến.
Tại nhiều địa phương khác, việc chủ động dạy và học theo hình thức đạng hóa các phương thức, linh hoạt ứng biến với dịch Covid-19 cũng đã được các địa phương sẵn sàng.
Trước thềm năm học mới, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin, ngay cả khi thành phố hết giãn cách theo chỉ thị 16 (ngày 6/9), tình hình Covid-19 được kiểm soát, thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay. Do đó, các trường cần xác định dạy học trực tuyến với tất cả khối lớp là giải pháp trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Cùng với đó các trường cần quan tâm xây dựng phương án dạy học sao cho hiệu quả, nhất là với học sinh lớp 1.
Sở GDĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các trường. Tinh thần chung là trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh, dành từ 7-10 buổi đầu để học sinh làm quen với học trực tuyến, tương tác với giáo viên, bạn bè rồi mới triển khai kế hoạch học tập. Khi triển khai, các trường lựa chọn nội dung học tập phù hợp học sinh trên địa bàn. Những nội dung chưa thể triển khai sẽ được thực hiện bổ sung khi học sinh trở lại trường học. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết Lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến trên toàn thành phố sẽ được tổ chức vào 7 giờ 30 phút, ngày 5/9.
Theo Bộ GDĐT, trước đó ở năm học 2020-2021, cả nước có hơn 8,7 triệu học sinh tiểu học với hơn 14,7 nghìn cơ sở giáo dục tiểu học. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, phần lớn các trường đã triển khai dạy học trực tuyến như là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Cũng trong năm học trước, Bộ GDĐT đã kịp thời ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, tạo thuận lợi cho các địa phương, các trường triển khai. Việc dạy học trực tuyến đã giúp phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc…
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, mục tiêu của năm học mới 2021-2022 là ưu tiên các biện pháp để các nhà trường chuyển trạng thái, thích ứng tốt và giảm tổn thương do dịch bệnh. Hai vấn đề được lãnh đạo Bộ GDĐT nhấn mạnh là đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo môi trường học an toàn. Giáo dục tiểu học sẽ phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên. Trong đó, phát huy cao nhất lợi thế của giáo viên khi đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến.