Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều lao động đang đứng trước tình cảnh khóc dở mếu dở vì doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cắt giảm nhân sự. Việc này cũng đồng nghĩa với giảm thu nhập, thất nghiệp khi mà cái Tết đã cận kề.
Gia tăng làn sóng cắt giảm nhân sự
Số lượng đơn hàng sụt giảm, mới đây Công ty TNHH An Giang SAMHO đã buộc phải thông báo sẽ có khoảng 5.300 công nhân đã và sẽ bị mất việc làm từ nay tới cuối năm. Cũng giống như tại An Giang, nhiều tháng vừa qua, không ít doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đang hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM, đã có 51 DN báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Dự kiến “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn quý IV năm nay và quý I năm sau.
Báo cáo của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số DN điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Số DN bị ảnh hưởng là 441 (331 DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số DN, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Trong đó có 562.400 NLĐ bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 NLĐ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện tượng một số DN cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của DN.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Theo ông Phòng, các thị trường trước đây được dự báo có sức mua lớn, năng lực chi trả cao đã phải điều tiết lại do tình hình nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, tỷ trọng xuất khẩu vẫn đạt được yêu cầu đề ra. Chúng ta không nên quá bi quan về các biến động trên. Bộ Công thương, các bộ, ngành khác tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng sản phẩm, cung cách làm ăn của DN và quan tâm hơn nữa là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, để giữ ổn định nguồn nhân lực cũng như sản xuất các DN cần mở các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Các đơn vị cần tích cực tìm kiếm thị trường và phong phú hóa sản phẩm, làm đẹp hơn các mẫu mã để có khả năng chinh phục và thuyết phục được các thị trường khó tính hơn.
Trước làn sóng cắt giảm nhân sự ở nhiều địa phương, các ngành, các cấp đã triển khai những nội dung trợ giúp thiết thực. Tại tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Kim Loan cho biết, cơ quan này sẽ trích 40 tỷ đồng và đề nghị UBND tỉnh trích quỹ 25 tỷ đồng; cùng với đó vận động các cấp, các ngành chung tay chăm lo cho NLĐ dịp cuối năm. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ. Các đơn vị thuộc sở cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối NLĐ với những DN đang có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ.
Cùng với Bình Dương, nhiều địa phương cũng đã có phương án để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, song vai trò DN được xem là chìa khóa để giữ ổn định nguồn nhân lực; bên cạnh việc Chính phủ và chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ DN bằng các chi phí tăng thêm, trong đó có hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để DN hỗ trợ chéo cho NLĐ, vừa giúp DN tăng cường khả năng chống chịu vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho NLĐ.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Tổng Liên đoàn đã đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật cho NLĐ. Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân NLĐ, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những DN đang có nhu cầu tuyển dụng.
“Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn nếu một gia đình mà cả hai vợ chồng đều mất việc, thì những đối tượng phải này phải hết sức quan tâm, chí ít phải nỗ lực để một người có việc làm để mỗi gia đình có điểm tựa” - ông Hải nói.
Được biết, dịp này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phát động chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” và nhiều hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 đến các cấp công đoàn để cùng hướng về NLĐ.