Những ngày đầu năm 2025, Hà Nội tăng trên 100 ca mắc sởi, cao nhất trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy xu hướng dịch đang gia tăng rất nhanh. Ngoài ra còn có những bệnh truyền nhiễm khác đang có nguy cơ lây lan. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng vừa có thông tin chính thức về dịch bệnh hô hấp tại Trung Quốc và khuyến cáo phòng bệnh tới người dân.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi. Cùng với đó, những dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… trên địa bàn TP Hà Nội cũng ghi nhận gia tăng số ca mắc.
Còn tại TPHCM, các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết hiện đang giảm số ca mắc. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã ghi nhận 451 ca mắc sởi trong tuần đầu năm 2025, tăng 14,1% so với trung bình các tuần trước. Cũng theo HCDC, mỗi dịp Tết đến thì số người bị động vật cắn và phải tiêm vaccine phòng dại tăng đáng kể.
Hiện, tại Hà Nội và TPHCM, chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ em vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh. Dẫu thế, số ca mắc vẫn tăng, theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân là do “lỗ hổng tiêm chủng” khi có một thời gian dài chương trình tiêm chủng mở rộng thiếu vaccine.
Bên cạnh đó, ý thức người dân tiêm chủng dịch vụ chưa cao, chỉ chừng mực ở các thành phố lớn, trong khi sởi là bệnh có tốc độ lây lan khủng khiếp, một ca bệnh có thể lây cho từ 16 - 18 người không có miễn dịch với sởi ở xung quanh. Ngoài lây qua giọt bắn phát tán trong không khí, virus sởi còn bám trên khẩu trang và các vật dụng như bàn ghế, tay nắm cửa, từ đó lây nhiễm gián tiếp cho người khỏe mạnh.
Theo thống kê từ các bệnh viện, đa số các trường hợp mắc sởi phải nhập viện do các biến chứng nguy hiểm đều chưa tiêm vaccine phòng sởi. Bên cạnh đó, thực tế đã có rất nhiều người tự chữa bệnh theo hướng dẫn của "bác sĩ Google", hậu quả là “tiền mất tật mang”, có trường hợp còn dẫn đến tử vong. Thế nhưng, nhiều người vẫn nghe theo mạng xã hội và "anti vaccine" - là một trend rất nguy hiểm. Nhất là với người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận với thông tin chính thống, chỉ nghe theo lời đồn đại, cho rằng không cần tiêm phòng bệnh sởi vì vaccine ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hiện tại, trước sự lo lắng của người dân với virus gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang với virus cúm HMPV, nhưng cũng không chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không áp dụng bất kỳ hạn chế nào về giao thương và đi lại liên quan đến bệnh đường hô hấp cấp tính, song trên thực tế, nguyên nhân của các dịch bệnh thường có dấu hiệu bùng phát mạnh vào dịp cuối năm là do nhu cầu đi lại, tham quan du lịch, việc buôn bán giao thương của người dân giữa các vùng, các địa phương tăng đột biến. Hơn nữa, giai đoạn này thời tiết luôn có những diễn biến bất thường và tình trạng dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, rất cần ý thức chủ động phòng chống dịch, mà bắt đầu là từ cộng đồng.