Ngày 22/4, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.
Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải. Gần đây nhất là vụ hơn 50 học sinh ở Nghệ An bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng.
Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc (được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại) trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cơ sở đó cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.
Theo đó, một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón, cây cà độc dược; cây Trúc đào, cây Thông thiên, cây Đai vàng; cây Thầu dầu … Đồng thời, các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh; tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Đặc biệt, tuyên truyền để các học sinh tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.
Theo Cục An toàn thực phẩm, ngoài nguy cơ ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa thì thời điểm này tại một số địa phương cũng thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.
Trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc. Chính vì vậy, ngay khi người bệnh có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời; mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Bộ Y tế khuyến cáo, để dự phòng ngộ độc nấm, người dân chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
Khoảng 20h 15’ tối 21/4, Khoa cấp cứu Trung tâm y tế Quỳ Châu (Nghệ An) đã cấp cứu 37 em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu có triệu chứng nôn mửa, đau đầu và đi ngoài. Các bác sỹ đã trực tiếp thăm khám truyền dịch và theo dõi sức khỏe các em. Sau khi kiểm tra, phân tích, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do các em đã ăn hạt của quả cây ngô đồng trong trường. |