Chính trị

Lâm Đồng chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Hà Lê

Ngày 30/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đặc khu; kết thúc hoạt động các đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời công bố thành lập tổ chức Đảng, chỉ định Cấp uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và các xã, phường, đặc khu.

LLL DD
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng mới ra mắt. Ảnh H.L

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Buổi lễ được kết nối trực tiếp đến 124 điểm cầu cấp xã, phường, đặc khu với sự hiện diện của lãnh đạo cơ sở và đại diện các chức sắc tôn giáo, đại diện các tầng lớp nhân dân tại địa phương.

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực từ ngày 12/6/2025, tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 24.233,07 km2, quy mô dân số là 3.872.999 người. Đồng thời có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường, 1 đặc khu.

Tại Lễ công bố, đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đã công bố toàn văn các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về thành lập tỉnh Lâm Đồng mới, công tác nhân sự của tỉnh mới.

bvb.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh H.L

Phát biểu tại Lễ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là hoạt động hành chính đơn thuần, mà là bước đi chiến lược, mang ý nghĩa to lớn về chính trị, tổ chức và thực tiễn. Đây là quá trình thiết yếu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống quản lý nhà nước, đồng thời tạo lập không gian phát triển mới, phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng, không chỉ thay đổi về địa giới hành chính mà quan trọng hơn là tạo ra những điều kiện, động lực và cơ chế mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Việc hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, cùng các đô thị biển và cao nguyên đặc sắc, mở ra không gian kinh tế liên kết, đa trung tâm, phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Đây cũng là cơ hội để quy hoạch lại các vùng sản xuất, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, hình thành các chuỗi giá trị mới và nâng cao đời sống người dân.

Ông Bình đề nghị các nhân sự được phân công, bổ nhiệm cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cống hiến, đoàn kết, năng động, chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhanh chóng bắt nhịp công việc mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mới phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương, chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch hành động kịp thời, cụ thể. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình, tiến độ triển khai thực hiện để đạt kết quả cao, đưa các chủ trương, định hướng chiến lược lớn và mới của Trung ương vào thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lâm Đồng chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung