Sáng 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế chủ trì phiên họp lần thứ nhất của năm 2017, đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.
Nghiên cứu, đánh giá các nội dung mới của hội nhập kinh tế
Tại phiên họp, Văn phòng Ban chỉ đạo đã báo cáo kết quả hoạt động của Ban trong năm qua, khẳng định Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo chủ trương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Quan điểm này tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ tại tại Nghị quyết số 06-NQ/TW khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ban chỉ đạo cũng báo cáo thêm một số nội dung theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên họp diễn ra tháng 9/2016 về công tác thông tin tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo; tham mưu, đề xuất về đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Theo lãnh đạo Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đã có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc chọn đối tác hợp tác và đàm phán nên đã hưởng nhiều lợi ích hơn từ các hiệp định thương mại tự do. Biểu hiện của lợi ích này là tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng ưu đãi đang tăng dần lên như tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc VKFTA là trên 80% và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chi lê là trên 60%...
Trả lời “đặt hàng” của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp hồi tháng 9/2016 về hiện tượng Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này lại chững lại, Bộ Công Thương cho rằng cộng đồng kinh tế ASEAN chỉ là một trụ cột của Cộng đồng chung ASEAN và một số cam kết thương mại, đầu tư không trùng với mốc hình thành AEC (từ cuối năm 2015). Như vậy, các hoạt động thương mại, đầu tư sẽ không thay đổi ngay từ thời điểm hình thành AEC mà thay đổi theo lộ trình các cam kết về thương mại, đầu tư.
Cụ thể, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với ASEAN nhưng lại chưa tận dụng tốt lợi thế trong xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết có tâm lý chung trong các nước ASEAN là tăng cường khả năng sản xuất chung, thu hút đầu tư từ ngoài khối để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khác.
“Như bó lúa, chỉ chụm lại gốc nhưng ngọn hướng ra bên ngoài” là hình ảnh mà đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận về mô hình AEC hiện nay. Bộ Công Thương cũng dẫn chứng tỷ lệ thương mại nội khối trước đây là 25% nhưng nay đã giảm đi một nửa. Trong khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA rất coi trọng sản xuất, thương mại trong nội khối, khi chưa hình thành thì tỷ lệ này ở NAFTA đã là 50%.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Công Thương cho biết cơ cấu kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tương đối giống với các nước ASEAN. “Họ làm gì ta cũng làm cái đấy”, Vụ Thương mại đa biên nói đồng thời cho biết năng lực của DN Việt Nam tận dụng các cơ hội thấp thể hiện ngay chỉ số doanh nghiệp tận dụng ưu đãi chỉ ở mức 30%, còn rất thấp (mặc dù tăng so với mức 10% trước đây). Nguyên nhân là do DN trong nước muốn hướng tới thị trường trong nước hoặc là các thị trường khác, không muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN.
Vụ thương mại đa biên cũng cho biết ngoài xu hướng này thì các nước ASEAN cũng dựng lên các hàng rào thương mại và xu hướng này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải hỗ trợ DN vượt qua rào cản này.
Quang cảnh phiên họp.
Đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Ban chỉ đạo với vai trò là cơ quan điều phối liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế đã phối hợp các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp các Bộ, ngành tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế như WTO, ASEAN, APEC, ASEM..., đàm phán các hiệp định thương mại tự do; tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất về các nội dung mới của hội nhập kinh tế quốc tế; triển khai có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về hội nhập kinh tế quốc tế....
“Các hoạt động này đã góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong quá trình thực thi cam kết. Việt Nam ngày một hội động chủ động, tích cực với thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Trong năm qua, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong vận động các nước như Canada,… công nhận nền kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp để xây dựng các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn lỏng lẻo, vẫn còn nặng tư tưởng cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm chính còn cơ quan phối hợp đôi khi chỉ tham gia một cách hình thức, thậm chí không tham gia nên các chương trình, kế hoạch còn thiếu tính toàn diện từ khâu xây dựng, triển khai đến đôn đốc, giám sát, đánh giá.
Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ không đồng tình khi vẫn còn hơn 70 thủ tục hải quan chuyên ngành vẫn tồn tại, gây khó cho hoạt động xuất khẩu trong nước, cần phải được sớm loại bỏ.
Để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập và là một thành viên tích cực của các hiệp định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp và sử dụng hiệu quả Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật, Nhóm Chuyên gia tư vấn, để tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo về những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và đàm phán các FTA nói riêng, từ đó đề xuất chính sách cho giai đoạn hội nhập từ nay và trong 10 năm tới.
Cụ thể là các nội dung tác động của xu thế bảo hộ thương mại trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; tác động của những vấn đề mới và trọng tâm trong lộ trình xây dựng AEC từ nay đến năm 2025 và giải pháp của Việt Nam; vấn đề rào cản phi thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN; thúc đẩy thương mại với một số nước Trung Đông, Châu Phi vốn là thị trường mà Việt Nam còn để ngỏ; nghiên cứu thêm các chính sách phòng vệ thương mại khi Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật quản lý Ngoại thương trong thời gian tới.
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động và tích cực triển khai hiệu quả các chương trình hành động trên cơ sở cụ thể hóa chi tiết nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mình, nhằm thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 22) và Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 31, Nghị quyết 49), đảm bảo tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.