Chủ động từ chức khi không còn uy tín, tín nhiệm

26/09/2022 06:45

Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn điểm 3, Thông báo số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của UBTƯ MTTQ Việt Nam, nếu thấy không còn đủ uy tín, tín nhiệm thì nên chủ động xin từ chức.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV: Theo hướng dẫn này, nếu cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công việc. Đặc biệt sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu những người này khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương. Liệu đây có phải là hướng mở cho cán bộ, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi cho rằng đây là quy định hợp lý. Về mặt khách quan, họ vi phạm song sau đó đã khắc phục những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương. Bởi họ đã phấn đấu tốt thì phải xem xét, chúng ta không nên cực đoan theo kiểu “đã từng vi phạm” thì không bổ nhiệm nữa. Tuy nhiên về thời gian 24 tháng tôi hơi băn khoăn, nên chăng thời gian thử thách cần kéo dài hơn, tùy theo từng vị trí, con người để xem xét.

Nhưng có lẽ cán bộ bị kỷ luật nên hình thành văn hóa từ chức khi thấy mình không còn đủ uy tín? Bởi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi bị kỷ luật làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Đảng?

- Tại các văn bản đều nhắc đến nếu cán bộ vi phạm không tự nguyện từ chức thì tổ chức có thể xem xét cho miễn nhiệm. Do đó nếu thấy không còn đủ uy tín, tín nhiệm thì chủ động xin từ chức là tốt nhất. Đã đưa ra các quy định thì cần làm nghiêm, chứ nể nang nhau, không thực hiện thì sẽ khó có văn hóa từ chức. Phải làm sao để hình thành văn hóa từ chức, nếu anh không từ chức, tổ chức sẽ miễn nhiệm anh. Quy định của chúng ta đã khá đầy đủ từ trách nhiệm của người đứng đầu, rồi Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương. Nhưng quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện. Làm sao để các quy định của Bộ Chính trị trở thành văn hóa, tạo tính tự giác, nếu không thì sẽ bị miễn nhiệm. Ví như vi phạm Luật giao thông thì phải đánh mạnh vào kinh tế, bằng việc xử phạt nặng, còn chỉ tuyên truyền, hô hào thì hiệu quả không cao. Từ khi có Nghị định 100 về cấm uống rượu bia khi tham gia lái xe đã đem lại tính hiệu quả cao, các tài xế tự giác hơn hẳn, tình trạng lái xe khi uống rượu bia giảm rõ nét.

Đối với các trường hợp ở cương vị người đứng đầu địa phương, nếu làm mất uy tín của Đảng thì nên từ chức hay buộc phải từ chức, thưa ông?

- Theo tôi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần lượng hóa thêm. Ví dụ mất uy tín do tỷ lệ cán bộ đảng viên bỏ phiếu, hay bị mức độ kỷ luật từ cảnh cáo trở lên. Ngay trong Quy định 41 của Trung ương về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có nói tín nhiệm thấp, không đủ uy tín để tiếp tục làm việc thì cán bộ đó chủ động từ chức. Nếu không, cơ quan tổ chức cấp có thẩm quyền xem xét để cho miễn nhiệm. Cho nên, cần phải lượng hóa, không đủ tín nhiệm thì ở mức độ kỷ luật nào?

Không chỉ cán bộ bị kỷ luật mà trong lấy phiếu tín nhiệm, nếu tín nhiệm thấp dưới 50% cũng có nghĩa không đủ uy tín. Trong trường hợp này theo ông có cần bố trí sang vị trí công tác khác?

- Chúng ta có 3 mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Việc bỏ phiếu tín nhiệu nếu kết quả tín nhiệm thấp nhiều có nghĩa là không còn đủ uy tín thực hiện nhiệm vụ đó nữa thì bố trí sang vị trí khác căn cứ vào mức độ kỷ luật của cấp trên, hay căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Bởi dù không bị kỷ luật song cũng không còn đủ uy tín thì có thể xem xét bố trí sang vị trí khác. Nhưng với cán bộ bị kỷ luật khiển trách do vô tình vi phạm, lại là người có năng lực, được tín nhiệm qua lấy phiếu thì vẫn có thể ở vị trí công tác đó.

Giữa nhiệm kỳ chúng ta lấy phiếu tín nhiệm 1 lần đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Nếu cảm thấy giữa nhiệm kỳ không còn đủ tín nhiệm thì cán bộ nên chủ động xin từ chức, thay vì đợi đến hết nhiệm kỳ, thưa ông?

- Kết quả sau lấy phiếu đa số là tín nhiệm vì như đã nói chúng ta có 3 mức là: tín nhiệm cao; tín nhiệm; tín nhiệm thấp. Phiếu tín nhiệm cao có thể không nhiều nhưng phiếu tín nhiệm chiếm đa số. Do đó tính ra phiếu tín nhiệm vẫn là quá bán nên không thể bỏ phiếu để miễn nhiệm.

Chúng ta nói “không hoàng hôn nhiệm kỳ” nhưng với quy định như vậy đang tạo ra cơ hội cho cán bộ làm hết nhiệm kỳ, trừ trường hợp bị kỷ luật, hay bị xử lý hình sự, ông đánh giá ra sao về điều này?

- Tôi cho rằng khi cán bộ nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì nên từ chức. Các nước họ có tự ái rất cao, họ quy định rằng, nếu không từ chức thì sẽ bị đưa ra bãi nhiệm. Bên cạnh đó trách nhiệm cụ thể của quan chức ở các nước rõ ràng hơn. Một việc phải do 1 người chịu trách nhiệm rõ ràng. Chứ cứ chồng lấn trách nhiệm giữa nhiều người, nhiều bộ, nhiều cơ quan thì khó quy trách nhiệm cụ thể cho một ai. Vì thế cải cách hành chính vẫn đang là khâu yếu hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động từ chức khi không còn uy tín, tín nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO