Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường

Nguyên Khánh 26/12/2016 10:00

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ- Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu thì việc mưa lũ kéo dài vừa qua ở các tỉnh miền Trung cướp đi sinh mạng của hơn 111 người cho thấy thời tiết diễn biến bất thường; rất cần có những biện pháp hữu hiệu để tránh hậu họa đáng tiếc đến với người dân. Cần phải cảnh báo cho mọi người thấy được biến đổi khí hậu là chuyện của ngày hôm nay, biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả nặng nề.

Ông Đào Trọng Tứ.

Mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ vừa qua cướp đi sinh mạng của hơn 111 người là bài học lớn cho các cơ quan chức năng để có những biện pháp hữu hiệu hơn, tránh hậu họa đáng tiếc xảy đến với người dân. PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Thời tiết ngày càng cực đoan

Theo PGS Đào Trọng Tứ, mưa lũ xảy ra và kéo dài trên diện rộng, chúng ta phải nghĩ tới 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, có lý do là thời tiết. Ai cũng biết, miền Trung và Nam Trung bộ mùa này là mùa mưa. Mưa xảy ra là đúng quy luật. Nhưng cuối tháng 12 đã là cuối mùa mưa rồi thường thì mùa mưa đã chấm dứt. Hoặc nếu có mưa thì mưa cũng không lớn và không kéo dài trên diện rộng như vậy. Rõ ràng có câu chuyện biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng bất thường. Chúng ta cần phải cảnh báo cho mọi người thấy được biến đổi khí hậu là chuyện của ngày hôm nay, biến đổi khí hậu ngày càng khắt khe để có những kịch bản đối phó kịp thời.

Mưa lũ ở miền Trung có yếu tố do thiên nhiên bất thường, tuy nhiên lý do quan trọng hơn là do con người. Đó là hệ thống đập thủy điện, thủy lợi xả lũ. Câu chuyện thủy điện xả lũ làm lũ chồng lũ không hề mới, đã được cảnh báo nhiều. Muốn làm thủy điện phải chặn lên các hệ thống sông, tạo nên các vật cản đã là một nguy cơ. Trong khi đó, hồ thủy điện lại tích nước, khi nước đầy, sợ vỡ đập phải xả lũ. Tất nhiên, không có thủy điện thì mưa lớn rồi lũ đến là bình thường, nhưng kèm theo xả lũ thủy điện thì nó sẽ rất bất thường. Với mưa lũ ở miền Trung vừa rồi, rõ ràng do thủy điện xả lũ mới làm cho lũ càng diễn biến phức tạp.

Muốn giảm tổn thất, cách duy nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Hiện chúng ta đã đưa ra quy trình vận hành liên hồ chứa. Quy trình rất tốt, nhưng vận hành không đơn giản. Ai biết người ta xử lý thế nào, vận hành ra sao. Bởi mỗi nhà máy là của một anh. Hệ thống dự báo của anh rất kém. Anh vận hành đúng quy trình thế nào không ai biết? Trong mùa lũ dù có quy trình vận hành nhưng để giám sát quy trình vận hành đó phải có bộ chỉ huy giỏi giang phải biết làm đúng hay làm sai. Chứ nếu không giám sát được thì làm sao biết được họ xả bao nhiêu khối nước.

Nếu sợ trách nhiệm thì đừng làm công bộc

Để hạn chế thiệt hại do lũ, cần tuân thủ quy định ngặt nghèo về liên hồ chứa tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cũng không hẳn như vậy. Bởi xây dựng hệ thống vận hành của các hồ đa số lấy số liệu cũ, của những sự cố đã xảy ra. Nếu vẫn dập khuôn, máy móc thì sao ứng phó được những bất thường của thời tiết. Thế nên, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, nhưng cũng phải linh hoạt đối phó với tình huống cụ thể.

Có một câu hỏi được đặt ra là, nếu linh hoạt, không tuân thủ các quy định được ban hành có sợ bị quy trách nhiệm nếu có sự cố? Đây là vấn đề không đơn giản, nó đòi hỏi bản lĩnh của con người. Theo PGS Đào Trọng tứ, nếu sợ trách nhiệm khỏi phải bàn đến nữa. Làm công bộc lại không lo cho dân mà lại sợ trách nhiệm thì có xứng đáng? Kể cả khi có sự cố xảy ra, người ta sẽ bàn bạc suy xét trên cơ sở khoa học. Tuân thủ các quy định một cách cứng nhắc làm tăng thiệt hại cho đất nước, nhân dân thì chắc chắn cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Người chỉ huy linh hoạt, dù không theo kịch bản có sẵn nhưng giảm được tổn thất chắc chắn sẽ được nhìn nhận, đánh giá đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường