Từ khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc đều có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp thiết thực, sáng tạo, Vĩnh Phúc đã huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực trong nhân dân vào xây dựng NTM, từ đó bộ mặt nông thôn trong tỉnh ngày càng khởi sắc.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc thẩm định xã Văn Quán đạt chuẩn nông thôn mới.
Diện mạo thay đổi
Sau 7 năm xây dựng NTM, 100% đường liên xã của xã Văn Quán, huyện Lập Thạch đã được bê tông hóa; 16/16 thôn có nhà văn hóa. Ông Vũ Đình Lương- Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Văn Quán cho biết, năm 2011 xã bắt tay vào xây dựng NTM với đầy gian khó. Từ một xã có xuất phát điểm thấp nhưng qua quá trình thực hiện, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí.
“Ngay từ ngày đầu triển khai xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã xác định xây dựng NTM cần tranh thủ mọi nguồn lực, huy động tối đa nội lực, trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng vai trò quan trọng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội. Để thực hiện việc này, xã đã tập trung xây dựng kế hoạch vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia xây dựng NTM; tổ chức họp tuyên truyền tại các thôn với sự tham gia trực tiếp của Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Bên cạnh đó, những khoản đóng góp của nhân dân được minh bạch hóa đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của bà con địa phương”- ông Lương nói.
Không chỉ tại Văn Quán mà xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên cũng có nhiều cách làm sáng tạo được chính quyền địa phương vận dụng để triển khai, làm tốt các tiêu chí NTM. Đặc biệt, xã đã thực hiệu hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập cho người dân. Do đó, năm 2013, xã Tam Hợp là xã đầu tiên của huyện Bình Xuyên cán đích NTM. Ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Hợp cho rằng, có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, phải kể đến vai trò nòng cốt của MTTQ xã trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM và đối tượng thụ hưởng chính là nhân dân. Không dừng lại ở đó, MTTQ xã còn tăng cường vận động người dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; chủ động phối hợp với các Ban Công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể ở khu dân cư đến từng gia đình tuyên truyền, đồng thời đẩy mạnh các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất,kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh gương mẫu”... Với những tiêu chí còn gặp khó khăn như: môi trường, giao thông, văn hóa… cũng đã được nhân dân chung tay, góp sức thực hiện thành công.
Tiếp tục triển khai sâu rộng
Với mục tiêu đến hết năm 2019 phấn đấu có 100 số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn MTM và đến năm 2020, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, UB MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các huyện cụ thể hóa các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM”; tiếp tục duy trì và mở rộng nhóm nòng cốt xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.200 nhóm nòng cốt xây dựng NTM hoạt động hiệu quả; đồng thời tích cực tuyên truyền để nhân dân chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp…
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Hân- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, để thực hiện việc này MTTQ các cấp trong tỉnh đã liên tục đổi mới, đa dạng về hình thức tuyên truyền, cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế từng địa phương. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, MTTQ các cấp vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả đã làm được, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn NTM. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, MTTQ tổ chức hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí. Đối với khu vực thành thị, MTTQ các cấp tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư và phường, thị trấn văn minh. Ngoài ra, MTTQ còn phối hợp với các tổ chức thành viên để phân công, vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp sức, phối hợp xây dựng các mô hình tự quản, đảm nhận các phần việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình khó khăn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức xây dựng đô thị văn minh để nhân dân hiểu về ý nghĩa, nội dung cuộc vận động và chủ động thực hiện.
“Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động, nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia hiến đất, hiến ngày công lao động, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng NTM, tham gia tích cực vào việc xây dựng, duy trì thực hiện quy ước, hương ước của thôn, làng, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh,... từ đó đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên, hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, nơi sinh hoạt và học tập cộng đồng được xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt văn hóa, học tập của người dân”- bà Hân chia sẻ.
Xây dựng NTM không chỉ là đích đến mà còn là chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc. Với sự đồng hành của hệ thống Mặt trận các cấp, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước tiến dài trong quá trình thực hiện.