Báo Đại Đoàn Kết là nơi đã từng khởi xướng những kỳ Liên hoan tôn vinh những tấm gương Hiếu thảo. Và trong nhiều thập kỷ trải qua các kỳ Liên hoan chúng tôi càng thấm thía rằng xã hội càng tiến như vũ bão đến văn minh, con người càng khao khát được sống trong tình yêu thương.
Hiếu thảo là một trong những giá trị đích thực làm nên nhân cách con người. Chỉ có tình yêu thương mới có đủ niềm tin để vượt qua mọi khó khăn. Cùng với làm giàu vật chất, giá trị của thành công chỉ thực sự có được cùng với những giá trị tinh thần. Không thể có một ai đó không yêu thương cha mẹ, người thân mà lại có thể đem lòng yêu người khác.
Chữ hiếu trường tồn, làm nên giá trị của đạo lý Việt Nam. Nhưng chắc chắn chữ Hiếu sẽ có những biểu hiện khác đi phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Tất nhiên bàn đến chữ Hiếu thời nay phải là một cuộc tranh luận còn dài.
Trong Hồi ký của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh về người cha – cố Giáo sư Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – có viết: Cha tôi được cả dòng họ ca ngợi vì lòng hiếu thảo với bà nội. Cụ thể là theo cuốn Hồi ký, sáng nào, ông Nguyễn Văn Huyên cũng dậy sớm đến thăm mẹ rồi mới đi làm. Trong công trình Văn minh Việt Nam, GS Nguyễn Văn Huyên có viết rằng: “Gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là ở chữ Hiếu”.
Còn họa sĩ Phan Kế An, trong bài viết: “Gia đình như một nền tảng tâm linh - mỹ học” đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Cái thiêng liêng nằm trong dòng chảy nối tiếp từ đời này sang đời khác, mà mỗi cá nhân đều có thể tự soi bóng mình vào dòng chảy ấy để có thể tự trả lời một phần rất lớn của câu hỏi: Ta là ai? Từ đâu ra? Và sau ta sẽ còn lại cái gì?”
Nhà xã hội học, bà giáo Nguyễn Thị Oanh từng đưa ra nhiều quan điểm về giáo dục, về gia đình, về hiếu thảo. Trong đó, “chữ Hiếu là một phẩm chất mà hoàn cảnh và quy mô gia đình không quyết định” là một quan điểm đầy tính khoa học và biện chứng mà bà giáo Nguyễn Thị Oanh từng muốn nhấn mạnh: “Chữ Hiếu ngày nay không thể có từ phong trào hay mệnh lệnh mà phải được giáo dục một cách sâu sắc như một phẩm chất của nhân cách”.
Còn trong Phật giáo, các nhà tu hành quan niệm: Chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, ở cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau. Ân đức của cha mẹ là trời bể, người con có làm gì đi nữa, lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái.
Chữ Hiếu không phải là thứ đồ trang sức, nói như bà giáo Nguyễn Thị Oanh, nó là “phẩm chất của nhân cách”!