“Chúng tôi tìm ở viện Bạch Mai mới ra bệnh nhân 243. Từ bệnh nhân này mới ra Hạ Lôi và các ca ở đây dương tính Covid-19 nhưng không có triệu chứng gì”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Sáng ngày 13/4, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, PGS. TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội dập ổ dịch thôn Hạ Lôi tới dự.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Phát ngôn khác nhau làm dân phân tâm
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, hai tuần vừa qua là thời gian nhiều sóng gió với TP. Bởi từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên vào ngày 6/3 đến nay, Hà Nội có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước, ca lây nhiễm ngoài cộng đồng cũng nhiều nhất, TP cũng có ổ dịch lớn nhất cả nước.
Tại buổi họp, ông Chung đề nghị PGS. TS. Trần Như Dương nói rõ quan điểm phát ngôn trong công tác phòng chống Covid-19. Bởi theo ông Chung những phát ngôn khác nhau giữa người làm công tác chuyên môn với cơ sở làm việc trực tiếp dẫn đến hậu quả là làm phân tâm cho người dân.
Ông Chung cho biết, ngay từ đầu các bên liên quan đã đưa ra thống nhất rõ ràng, những ai đến Bệnh viện Bạch Mai thì có nguy cơ lây nhiễm. Do vậy TP đã cho rà soát những công dân đến bệnh viện này, từ đó lấy mẫu xét nghiệm mới phát hiện được bệnh nhân 243 (ca bệnh đầu tiên ở Hạ Lôi, Mê Linh). Và từ bệnh nhân này, TP cho xét nghiệm toàn bộ người dân trong thôn mới xác định được 10 ca dương tính khác.
Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, ông đã ngồi xem, phân tích lại camera phòng ăn nhân viên Công ty Trường Sinh tại tầng 2 trung tâm dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai. Qua đó, cho thấy tất cả nhóm nữ của Trương Sinh bị nhiễm bệnh đã ngồi ăn cùng nhau vào buổi trưa các ngày từ 20 đến 25/3, đều không đeo khẩu trang. Những ca nhiễm bệnh ở Ninh Bình, Hoài Đức (Hà Nội), Lai Châu đều ngồi ăn ở bàn ăn nữ nhân viên Công ty Trường Sinh.
“Thực sự tôi có quan điểm rất rõ ràng, chúng tôi tìm ở Bạch Mai mới ra bệnh nhân 243. Từ bệnh nhân này mới ra Hạ Lôi và các ca ở đây được xét nghiệm phát hiện dương tính Covid-19 nhưng không có triệu chứng gì”, ông Chung nói và yêu cầu CDC Hà Nội, Sở Y tế cùng làm việc với các chuyên gia của Bộ Y tế phân tích kỹ để không còn “nói ngược” lại nhau.
Ông Chung cũng cho biết, TP Hà Nội cũng không "tranh việc" công bố các ca bệnh trên địa bàn. Theo ông Chung, trong giai đoạn 1 Bộ Y tế cho Hà Nội xét nghiệm để loại trừ; còn giai đoạn 2 được xét nghiệm khẳng định. Chủ tịch Hà Nội cho rằng, nếu Hà Nội được xét nghiệm khẳng định rồi thì Bộ Y tế chỉ cần cập nhật, công bố các ca bệnh thông qua báo cáo của TP.
Tuy nhiên, theo ông Chung dù CDC Hà Nội được xét nghiệm khẳng định rồi, nhưng việc cập nhật thông tin của Bộ từ số liệu của Hà Nội vẫn còn có độ trễ. “Tôi nói ca bệnh được công bố chiều qua chẳng hạn, TP Hà Nội đã thông báo từ chiều hôm kia rồi, đáng nhẽ các anh công bố luôn sáng hôm qua đi. Chiều hôm qua mới công bố, khiến dân buổi sáng không thấy gì, báo chí lại lần lượt liệt kê sáng thứ nhất, sáng thứ hai không thấy gì”, ông chung nói và cho rằng điều này làm cho người dân phân tâm.
Vì vậy, theo ông Chung những gì thuộc thực tiễn dưới địa phương cũng cần được tôn trọng. Bởi theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo TP Hà Nội là đơn vị làm việc trực tiếp, cho nên đòi hỏi những thông tin cụ thể. Ngoài ra, nên đưa thông tin một cách chung chung, đến lúc nhiều bình luận thì những cán bộ địa bàn rất khó làm. Chính vì vậy, quan điểm của TP Hà Nội trong phòng chống Covid-19 là phải rõ ràng, nghiêm túc.
“Chúng ta phải mổ xẻ những vấn đề đó để định hướng cho thời gian tới. Bởi khi đã có một tập thể thống nhất thì những nhận định sẽ phù hợp với thực tiễn, có sơ sở khoa học. Còn cái gì chỉ đạo chưa đúng, chúng ta cứ mạnh dạn sửa ngay, bởi dịch bệnh này rất mới, chứ không phải cái gì mang tính truyền thống để nhận định sát sao được”, ông Chung nói thêm.
“Hơn 3 tháng cầm cự mà chúng ta ở mức độ này là rất tuyệt vời!”
Phát biểu tại đây, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, từ trước đến nay Hà Nội luôn được xác định là một trong những điểm nóng có nguy cơ nhất về dịch tễ trong cả nước. Điểm nóng nguy cơ của Hà Nội là do khách quan, là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội, đông dân, rất phức tạp về mặt dịch tễ…
“Chúng tôi tiếp xúc với bạn bè quốc tế thì thấy họ ngưỡng mộ kinh khủng với Thủ đô đông dân như thế này, phức tạp về mặt dịch tễ thế này mà triển khai được quyết liệt như vậy. Gia đình tôi là công dân Thủ đô, cũng rất tự hào về điều đó và cảm thấy cực kỳ yên tâm khi Hà Nội triển khai các biện pháp như vậy, đạt được kết quả như bây giờ. Với hơn 3 tháng cầm cự, mà chúng ta ở mức độ như này là rất tuyệt vời”, PGS.TS. Trần Như Dương nói.
PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Đề cập đến thôn Hạ Lôi, PGS.TS. Trần Như Dương nhận định, đây là ổ dịch rất phức tạp về mặt dịch tễ đã được Hà Nội phát hiện nhanh và chủ động. Cũng chính từ việc phát hiện nhanh và chủ động nên đã quây ngay được, còn nếu không sẽ rất bị động, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất lớn.
“Dù ổ dịch này phức tạp, nhưng chúng ta phát hiện rất nhanh. Việc TP khoanh vùng cách ly rất nhanh là biện pháp đúng đắn và rất tuyệt vời!”, PGS.TS Trần Như Dương - Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt hỗ trợ Hà Nội dập ổ dịch thôn Hạ Lôi nói và cho biết, việc TP chọn việc khoanh vùng toàn bộ thôn Hạ Lôi chứ không phải cả xã Mê Linh là chính xác vì các thôn khác nằm cách xa nhau.
PGS.TS. Trần Như Dương nhận thấy công tác tuyên truyền ở Hạ Lôi rất tốt, nên ông tin tưởng việc dập dịch ở đây sẽ thành công. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thôn rất tốt, đảm bảo sự bình yên tại đây. Hơn nữa, vấn đề an sinh xã hội cũng được TP Hà Nội đảm bảo; bà con trong thôn Hạ Lôi không thiếu thốn gì trong những ngày cách ly.
Về công tác y tế, ông Trần Như Dương cũng cho rằng, việc cách ly y tế trong thôn Hạ Lôi đảm bảo tốt. “Nhà ai trong thôn cũng đảm bảo cửa đóng then cài, cách ly tại nhà. Chúng tôi tiên lượng rằng, nguồn bệnh nhiễm trong cộng đồng rồi, nó là kẻ thủ giấu mặt không ai biết. Do vậy, việc nhà nào ở nhà đấy thì nếu nguồn bệnh có thì nó cũng chỉ quanh trong gia đình đó thôi”, ông Dương nói và cho biết nếu khoanh được như vậy thì cộng đồng sẽ “trong sạch” trở lại.
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế khẩn trương xây dựng ngay quy trình khám chữa bệnh và quản lý bệnh nhân phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo ông Chung việc xây dựng quy trình trên để chấm dứt tình trạng “hở sườn” như ở các bệnh viện Hồng Ngọc, Đức Giang, Bạch Mai, Phụ sản Hà Nội…
Ngoài ra, ông Chung cũng lưu ý các bệnh viện phải chỉ đạo yêu cầu bác sĩ, y tá không được tập trung đông người. Ngoài ra, các bệnh nhân vào viện khám chữa bệnh cũng cần thực hiện theo yêu cầu giãn cách của bệnh viện.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngày gần đây, buổi sáng đi làm ông vẫn thấy người dân đến Bệnh viện Tim Hà Nội xếp hàng dài ra tận đường Trần Hưng Đạo, mà đứng rất gần nhau.
“Hôm qua tôi còn thấy Bộ Y tế ra văn bản liên quan đến hàng trăm y tá, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đứng reo hò, hát hò, rất phản cảm. Là đơn vị đầu ngành phục vụ công tác này mà chúng ta như thế thì không hiểu sẽ thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng thế nào?”, ông Chung nói.
Trước sự việc trên, tại hội nghị có giám đốc các bệnh viện của TP Hà Nội, ông Chung yêu cầu phải quán triệt, rút kinh nghiệm. Nếu giám đốc bệnh viện nào để xảy ra hiện tượng như vậy, ông Chung đề nghị xem xét trách nhiệm.
“Qua đây tôi thấy các đồng chí làm chuyên môn nhưng vẫn chủ quan, không quán triệt nghiêm túc và không nắm rõ quy trình”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thêm.