Vừa qua, các doanh nghiệp vận tải bắt đầu được hoạt động trở lại, nhiều nhà xe vẫn hoạt động cầm chừng, gần như không có khách để duy trì. Song, từ đầu tháng 6 tới nay, giá xăng, dầu tăng 3 lần liên tiếp khiến nhiều doanh nghiệp vận tải không khỏi đau đầu…
Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hùng Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm một phần rất lớn chi phí vận hành đối với mỗi DN. Ngành vận tải sẽ chịu tác động nào khi giá xăng dầu tăng cao?
- Ông Nguyễn Công Hùng: Chiều 26/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 16 giờ cùng ngày. Như vậy, đây là đợt tăng thứ 3 giá bán lẻ xăng, dầu được điều chỉnh, song giá xăng, dầu lần này tăng kỷ lục nhất trong vòng 7 năm qua.
Sau 4 tháng hoạt động vận tải bị dừng hoạt động do đại dịch Covid- 19 hiện các doanh nghiệp mới bắt đầu gắng gượng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hiện chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất và 50% số ghế.
Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân cũng chưa cao, nhưng DN vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để nắm giữ thị trường.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gắng gượng kinh doanh hoạt động trở lại ,song, giá xăng, dầu tăng cao nhưng doanh thu của DN vận tải chỉ đạt khoảng 15- 20% thời điểm trước dịch.
Không chỉ giá xăng, dầu tăng mạnh, hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân cũng chưa cao, nhưng doanh nghiệp vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để nắm giữ thị trường. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội doanh nghiệp vận tải bị dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, bảo dưỡng xe định kỳ, phòng chống cháy nổ, tiền gửi xe tại các bến, bãi xe… nhiều DN vận tải đã hết vốn, nếu chi phí hoạt động tăng cao, khả năng cao phải dừng hoạt động để tránh lỗ nặng.
PV: Giá xăng, dầu tăng cao thì giá vận tải hành khách, hàng hóa liệu có tăng theo?
- Ông Nguyễn Công Hùng: Gần 2 năm nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động vì thực hiện giãn cách, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh. Thế nhưng, chi phí đầu vào chi phí vận hành để cầm cự hoạt động kinh doanh lại không thể giảm. Nhất là giá xăng gần đây tăng cao khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó trong chi phí cấu thành của các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách.
Nếu giá xăng, dầu tăng cao buộc DN vận tải buộc phải tăng giá cước. Giá xăng tăng mạnh gây khó khăn rất lớn cho DN, ngoài chuyện chi phí khấu hao cao, lương người lao động thì giá xăng cũng là áp lực lớn.
PV: Sau khi giá xăng, dầu tăng cao Hiệp hội vận tải Taxi Hà Nội có những giải pháp nào?
- Ông Nguyễn Công Hùng: Trên thị trường hiện nay hiện nay đang 2 loại xăng cụ thể: Xăng E5 Ron 92 là xăng sinh học và xăng Ron A95. Trong khi đó, bản chất của xăng E5 Ron 92 hay còn gọi là xăng sinh học là một hỗn hợp trong đó có 5% cồn ethanol sinh học, 95% còn lại là xăng khoáng thông thường. Cồn ethanol sinh học là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như: Ngô, sắn, các loại sinh khối… Ở Việt Nam, chủ yếu nguyên liệu được sử dụng từ cây sắn.
Do đó, Liên Bộ Công thương cần phải có đánh giá cụ thể về thuế bảo vệ môi trường để điều chỉnh lại giá xăng sao cho phù hợp.
Hiện 1 lít xăng đang phải chịu nhiều loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).
Theo đó, DN kinh doanh vận tải có số lượng xe lớn, sử dụng xăng E5 Ron 92 vừa đảm bảo giá thành hợp lý vừa bảo vệ môi trường vừa có hiệu quả cho doanh nghiệp, người lao động sẽ chịu một mức giá thấp hơn so với hiện nay.