Bàn về việc dùng sổ hộ khẩu đến năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết "Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm".
Sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Cư trú (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng, quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế. Do đó theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết 31/12/2025.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị tiếp tục đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình, để luật có hiệu lực từ 1/7/2021 và không để thời gian chuyển tiếp tới năm 2025 như đề xuất của Ủy ban Pháp luật. Ông Tô Lâm bày tỏ: “Chúng tôi thấy bây giờ vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, các công dân. Bây giờ lại kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện cái này không cao”.
Ông Tô Lâm cũng cho rằng: Nếu tất cả các cơ quan liên quan có sự phối hợp để thực hiện thì việc triển khai quản lý dân cư theo phương thức mới sẽ có đủ điều kiện về thời gian cũng như các điều kiện khác. Hiện các cơ quan có trách nhiệm cũng đang tích cực thực hiện việc này. “Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng điều kiện. Không có căn cứ gì kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025, nếu đối chiếu với các công việc đang triển khai”-ông Tô Lâm quả quyết.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nên đưa ra mốc thời gian luật có hiệu lực để cố gắng. “Trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đến lúc cần bỏ. Tôi ủng họ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà. Tôi từng mất sổ hộ khẩu, làm lại vất vả, khai tới khai lui”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: Chính phủ và Bộ Công an khẳng định có thể làm được để luật có hiệu lực từ 1/7/2021 thì nên ủng hộ để có mốc thời gian phấn đấu. Trường hợp còn vấn đề lấn cấn thì khi đó Quốc hội có thể ra Nghị quyết gia hạn thêm. Với những điểm trong dự thảo còn ý kiến khác nhau thì trình Quốc hội cho ý kiến.