Ngày 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 28 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Hiện có 27 luật liên quan đến quản lý sổ hộ khẩu.
Thẩm tra Dự án luật trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, cần làm rõ phương thức quản lý cư trú mới bởi việc này chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện. Từ thực tế trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
Nhiều đại biểu cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình như: trong các lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở, cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng. Bởi việc chứng minh hộ gia đình và các thành viên hộ gia đình chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu.
Theo ông Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bỏ sổ hộ khẩu chỉ là hình thức, về bản chất chúng ta thay đổi phương thức thức quản lý dân cư từ việc cầm sổ hộ khẩu giấy khi làm việc với cơ quan nhà nước và làm việc liên quan đến vấn đề hộ khẩu, dân cư thì người dân không phải cầm sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, Quốc hội và các cơ quan rất quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cụ thể là cơ sở quốc gia về dân cư để từ đó tích hợp, giải quyết công việc hành chính của người dân được thuận lợi nhất.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội cho rằng, năm 2013 khi sửa đổi Luật Cư trú, chúng ta đã bàn đến chuyện theo lộ trình đến thời điểm này sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy. Đến nay hoàn toàn phù hợp với những gì đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước. Bởi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong khi đó, về mặt kinh tế rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, kinh tế số.
Theo ông Hồng, trong thời gian qua một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước nếu chúng ta đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử thì công tác điều tra dân số rõ ràng, thuận lợi. Nếu quản lý có cơ sở dữ liệu quốc gia, quản lý cư dân bằng hộ tịch điện tử sẽ giúp quản lý dễ dàng. Đơn cử như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, nếu quản lý dân cư hiện đại, khoa học, chính xác thì giúp ích rất nhiều.
“Dưới góc độ kinh tế, bỏ sổ hộ khấu giấy sẽ tiết kiệm nhân lực, con người, thời gian, chi phí ngân sách. Khi Chính phủ đưa vào Cổng dịch vụ công quốc gia rõ ràng các doanh nghiệp, người dân rất thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ công. Tuy nhiên hiện nay có 27 luật có liên quan đến quản lý hộ khẩu. Bỏ sổ hộ khẩu thì việc quản lý đối với các luật này như thế nào? Do đó phải có đánh giá để có quy định để quản lý đồng bộ, thống nhất”- ông Hồng nêu vấn đề.