Chiều 4/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) để báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Đăng Tiến – Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 quốc hội khóa XIII tới cử tri. Sau hơn 1 tháng làm việc kỳ họp đã kết thúc và hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao. Quốc hội đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015; chất vấn thành viên Chính phủ; thảo luận, thông qua 11 dự án Luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến vào 15 dự án Luật khác…
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng trước những kết quả mà kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 đã đạt được. Các cử tri đã thẳng thắn nêu lên một số ý kiến, kiến nghị tới đoàn đại biểu QH tỉnh Bắc Giang tập trung vào việc Nhà nước sớm có lộ trình tăng lương cơ bản, tăng nguồn ngân sách cho hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị ở cơ sở, tăng phụ cấp cho đội ngũ trưởng ban CTMT ở thôn, khu dân cư, tạo điều kiện cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong phát triển những sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra, cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ cử tri
Cử tri Nguyễn Văn Minh xã Ngọc Thịnh (Hiệp Hòa) khẳng định, trong những năm qua Đảng nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống người dân vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên theo cử tri Minh, chế độ chính sách cho các đối tượng người có công chưa thỏa đáng, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, tiền lương chưa đủ sống. Hiện nay lương tối thiểu 1 triệu 150 nghìn đồng/tháng mới chỉ bảo đảm chưa đến 70% mức sống cơ bản. Cử tri Minh đề nghị, Nhà nước cần sớm tăng lương theo lộ trình để bảo đảm mức sống cơ bản của người hưởng lương, nhất là lương hưu.
Về cách tính giá điện lũy tiến mà vừa qua dư luận bức xúc, cử tri Nguyễn Văn Lư, xã Ngọc Sơn, Hiệp Hòa cho rằng do nhu cầu cuộc sống, người dân đã đóng góp để xây dựng các công trình điện. Nhưng từ khi bàn giao lưới điện cho điện lực để nâng cấp công trình điện thì đến nay, lũy tiến thu tiền điện ngày càng tăng.
Quang cảnh hội nghị
“Người dân và cử tri suy nghĩ, ở các ngành khác, người tiêu dùng dùng sản phẩm hàng hóa của họ thì sẽ được giảm giá nhưng với ngành điện, càng dùng nhiều càng mất tiền nhiều.Trong khi đó, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, người dân muốn sử dụng các tiện nghi nhưng lại lo tiền điện” cử tri Lư kiến nghị.
Cử tri Hoàng Đăng Hằng, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) nêu ý kiến,Ban CTMT ở cơ sở rất vất vả từ vận động nhân dân hiến đất làm đường, ủng hộ người nghèo…nhưng chế độ đãi ngộ còn hạn chế. Đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa phụ cấp cho trưởng ban CTMT, cũng như kinh phí hoạt động của các Ban CTMT ở khu dân cư…
Cử tri Nguyễn Ngọc Trường – xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) nêu ý kiến là trên địa bàn xã có vùng sản xuất rau cần và cá giống. Tuy nhiên việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư giúp người nông dân mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản cũng như có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ông Lại Thanh Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tiếp thu và giải đáp những kiến nghị của cử tri về những vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ chính sách đối với người có công, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, việc hỗ trợ nông dân trong xây dựng thương hiệu mở rộng thị trường…
Ông Nguyễn Đăng Tiến đại biểu Quốc hội khóa XIII báo cáo nhanh kết quả kỳ 9 Quốc hội khóa XIII tới cử tri
Về việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của xã Hoàng Lương, ông Sơn cho biết UBND tỉnh tiếp tục có các chương trình xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều UBND tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng đến các thương hiệu nông sản khác để nâng cao mức sống cho người nông dân.
Trao đổi với các cử tri, về kiến nghị tăng lương, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, từ trước, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu cuộc sống và khả năng thu chi ngân sách, Nhà nước đều tăng lương cho cán bộ công chức, người hưởng lương hưu, xác định lương cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách mấy năm qua khó khăn, thu không đạt như dự kiến, vì vậy không thể tăng lương như lộ trình. Vì vậy, Chính phủ bắt buộc chỉ tăng lương cho người về hưu, người có mức lương thấp. Tới đây, khi kinh tế đất nước ổn định hơn, thu ngân sách bền vững hơn, Nhà nước sẽ thực hiện tăng lương đúng lộ trình.
Về ý kiến của cử tri, tại sao càng dùng nhiều điện thì giá càng tăng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ý kiến này của cử tri rất xác đáng. Tuy nhiên, Nhà nước đã bù giá điện trong suốt 40 năm, điều đó khiến việc đầu tư phát triển nguồn điện để bảo đảm nhu cầu sử dụng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Chính phủ đang dần đần đưa điện tiệm cận giá thị trường. Nguyên tắc là Nhà nước xác định một mức điện năng tối thiểu đủ để người nghèo sử dụng, và với số điện năng tối thiểu đó, Nhà nước vẫn bù giá; còn qua mức tối thiểu đó thì Nhà nước không bù lỗ nữa. Đó chính là cách tính giá điện lũy tiến để tránh bù lỗ giá điện.
“Khi điều kiện tốt lên, Nhà nước sẽ không còn phải bù giá điện nữa, lúc đó giá điện sẽ chỉ còn một mức. Còn trong điều kiện hiện nay, mọi người dân cần có ý thức sử dụng tiết kiệm điện, nhà nước chỉ bù tiền điện cho người nghèo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Về ý kiến của cử tri cho rằng, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn khi mà sản xuất còn bấp bênh về thị trường, thương hiệu nông sản chưa được quan tâm.. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nông dân không thể đơn lẻ làm ăn. Người nông dân cần liên kết lại để làm ăn, cụ thể là phải phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để đảm bảo đầu vào, và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ngay trong tháng 7 này sẽ có sơ kết về phát triển HTX, trong đó sẽ có ký kết với Ngân hàng Nhà nước để cho các HTX vay vốn. Theo đó HTX có thể vay tới 800 triệu đồng mà không cần thế chấp. Mục tiêu là tạo bứt phá cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả trong vòng 3 năm tới…
Đối với việc hỗ trợ cho trưởng ban CTMT ở khu dân cư Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và cho biết sẽ sớm có thống nhất với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng có phương án cho các địa phương vận dụng hỗ trợ. Đối với vệc tăng mức hỗ trợ thực hiện Ngày hội đại đoàn kết Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các khu dân cư cần vận dụng linh hoạt để có sự phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trong ngày hội qua đó tiết kiệm được chi phí tổ chức…
Ghi nhận những kiến nghị, phản ánh khác của cử tri huyện Hiệp Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang sẽ ghi nhận và sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất.
Những hình ảnh tại buổi hội nghị tiếp xúc cử tri:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu quốc hội trao đổi với các cử tri
Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang phát biểu
Ông Đỗ Văn Long phát biểu