Trả lời báo chí, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Tạ Thành Văn muốn cậu bé 10 năm cõng bạn tới trường Ngô Minh Hiếu chấp nhận kết quả thi, đừng mong chờ sự ưu tiên. Còn Ngô Minh Hiếu khẳng định, ĐH Y Hà Nội có mời cũng không học.
Dư luận xã hội đang có những ý kiến khác nhau, một luồng ý kiến mong ĐH Y Hà Nội sẽ xét đặc cách cho Ngô Minh Hiếu nhập học vì chỉ thiếu ít điểm (0,25), luồng ý kiến ngược lại cho rằng phải công bằng với tất cả thí sinh nên không thể có ngoại lệ. Cả hai luồng ý kiến trên đều có cái lý riêng của mình. Song, văn hóa Á Đông chúng ta đâu chỉ xét mọi việc về lý, mà trong lý phải có tình, mọi việc phải hài hòa, hợp lý hợp tình. Chữ “tình” quý lắm!
Nếu thực sự “căng dây bật mực”, thiếu bao nhiêu điểm cũng vẫn là thiếu, dù 0,25 hay 0,05 cũng vậy mà thôi. Vì thế nếu chiếu theo “lý” thì chỉ cần thiếu điểm, bất biết bao nhiêu cũng sẽ bị trượt, không thể được xét tuyển vào đại học, dù đó là trường nào. Song, đến các vụ án hình sự còn có sự cân nhắc thành tích, công trạng của bị cáo để lượng hình, đâu thể cứ rập khuôn máy móc theo quy định của khung hình phạt để tuyên án.
Tất nhiên, cũng có một thực tế là nếu “du di” cho Ngô Minh Hiếu để cậu học trò ngoan này có thể nhập học ĐH Y Hà Nội, thì sẽ có sự mất công bằng đối với những thí sinh khác cũng thiếu ít điểm như vậy, thậm chí thiếu ít hơn. Song, trong một số trường hợp cụ thể, công bằng vốn dĩ chỉ tương đối, không thể mang cân tiểu ly ra để “cân, đo, đong, đếm”. Việc cộng điểm ưu tiên khu vực cũng vẫn có những băn khoăn ít nhiều.
Mấy thí sinh trong số các trường hợp thiếu ít điểm như Ngô Minh Hiếu dám hy sinh bản thân, cõng bạn đến trường ròng rã tới 10 năm trời? Liệu Ngô Minh Hiếu có thiếu điểm không, nếu thay vì làm người tốt, trọng nghĩa tình, thí sinh này dành tất cả thời gian chuyên tâm “học gạo”? Tất nhiên, bây giờ nói “giá như” hay “nếu” thì vô cùng, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Song, phân tích để thấy các thí sinh khác không có lý gì để “tị” cả.
Xét về góc độ “tình”, tại sao Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội không coi việc làm tốt của Ngô Minh Hiếu là một điểm cộng so với những thí sinh khác để xét đặc cách? Đến quê quán, nơi sinh ra là bất biến, không ai có thể chọn lựa mà còn là yếu tố để cộng điểm, lẽ nào lại không thể cộng điểm cho một nhân cách sáng ngời như Hiếu? Đơn giản là vì chưa có quy định cộng điểm cho lòng vị tha, nhân hậu.
Vì chưa có quy định cộng điểm cho lòng tốt nên Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội khó có thể quyết định ngoài quy định hiện hành. Trái ngược, Ban Giám hiệu ĐH Y dược Thái Bình lại không hề “sợ đông, sợ tây”, thẳng thắn tuyên bố miễn học phí cho Ngô Minh Hiếu trong quá trình theo học tại đây. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cũng chưa có quy định miễn học phí cho học trò dám xả thân vì nghĩa.
“Mổ xẻ” như vậy chỉ để độc giả có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về câu chuyện đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội. Thực tế, đến thời điểm tôi ngồi viết bài báo này, Ngô Minh Hiếu đã quyết định theo học tại ĐH Y dược Thái Bình. Dù buồn vì nguyện vọng ấp ủ từ lâu là theo học tại ĐH Y Hà Nội bất thành, nhưng Ngô Minh Hiếu vẫn khảng khái nói rằng, dù trường này có xét đặc cách, cậu cũng sẽ từ chối, không nhập học tại đây.
Ngô Minh Hiếu không muốn nhận đặc cách của ĐH Y Hà Nội, đơn giản vì cậu học trò ngoan không muốn nhận sự thương hại của bất cứ ai chỉ vì em đã cõng bạn đến trường trong 10 năm qua. Hơn thế nữa, Ngô Minh Hiếu cũng không muốn vì bản thân mình mà mất công bằng đối với những thí sinh khác. Người tốt luôn là vậy đó, bao giờ cũng nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình.
Không chỉ có tấm lòng nhân hậu, xả thân giúp đỡ bạn bè không nề hà khó khăn, gian khổ, Ngô Minh Hiếu còn cho nhiều người lớn chúng ta một bài học về lòng tự trọng. Hiếu không ỷ thế mình đã làm được một việc tốt để “mè nheo” người khác phải đáp ứng lại các nhu cầu, sở thích cá nhân của mình.
Việc Ngô Minh Hiếu từ chối nhập học ĐH Y Hà Nội ngay cả khi lãnh đạo trường này có mời chính là câu trả lời cho sự “băn khoăn” của GS.TS Tạ Thành Văn về việc: Hãy chấp nhận đi, đừng vì đã cõng bạn 10 năm học mà mong sự ưu ái.
Đừng nghĩ khuyến khích những người tốt, giúp đỡ những đứa trẻ ngoan là sự ban ơn, mà hãy coi đó là sự ươm mầm, gieo những hạt giống tốt cho tương lai của đất nước. Vì vậy, xã hội mong muốn lãnh đạo trường đại học có sự sẻ chia với các thí sinh có cảnh ngộ đặc biệt và tìm ra các giải pháp thích hợp mà mục đích cuối cùng không có gì khác hơn là vì tương lai của đất nước.