Chiều 30/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn đối với Viện trưởng về nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, hơn nhiệm kỳ qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định phương châm hoạt động của toàn ngành là “Đoàn kết, đổi mới- Trách nhiệm, Kỷ cương-Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời chỉ đạo quán triệt và tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát viên là phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và là phương pháp công tác mà yêu cầu mỗi Kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ.
Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.
“Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Bên cạnh đó, đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?”, bà Hoa chất vấn.
Theo ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực y tế và tham nhũng. Đề nghị Viện trưởng có giải pháp hữu hiệu nào nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm quy định của pháp luật, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này?
Trả lời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua các vụ án thấy rằng, cần hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý kinh tế, điều hành quản lý xã hội để làm sao hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công khai minh bạch trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ tiêu cực tham nhũng. Tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác cải cách hành chính hiện nay bởi công khai, minh bạch sẽ kiểm soát được.
Ông Trí cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ thống nhất dễ hiểu để không thể hiểu và làm khác được. “Ví dụ đấu giá hay không đấu giá đất thì Luật Đất đai quy định phải đấu giá, còn Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản thì lại không. Như vậy là không có sự đồng nhất”, ông Trí dẫn chứng. Qua các vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế chức vụ vừa rồi thấy rằng, phải tập trung bịt các lỗ hổng trong quy định pháp luật thực tế bị lợi dụng.
Phải có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống kinh tế xã hội. Yêu cầu bắt buộc các quan hệ kinh tế phải quy hệ thống ngân hàng để kiểm soát. Việc phổ biến sử dụng tiền mặt nên hoạt động kinh tế, quan hệ kinh tế thanh toán không qua ngân hàng là bất cập dẫn đến tham nhũng tiêu cực.
Bên cạnh đó, tăng cường chế tài trách nhiệm quản lý Nhà nước nếu để xảy ra sai phạm, tăng cường kiểm soát quyền lực nhất là những lĩnh vực nhạy cảm tham nhũng tiêu cực để không thể lợi dụng. Tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật để ngăn chặn xử lý, răn đe”, ông Trí nói.
Ông Trí cũng cho rằng, có 3 yếu tố để góp phần ngăn chặn phòng ngừa tham nhũng tiêu cực đó là: Không thể, không dám và không muốn. Theo đó, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để không thể tham nhũng. Thứ hai, đối tượng chủ mưu cầm đầu có ý định chiếm đoạt vụ lợi thì cần xử lý nghiêm để không dám tham nhũng, và phải chờn. Tôi tin chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng có tác động đáng kể vào tư tưởng của người có ý đồ vi phạm pháp luật.
Thứ ba, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ ở các cấp, nhất là cấp cơ sở tự sống bằng lương của mình rất khó khăn. Còn sống được là nhờ vào các nguồn khác như cha, mẹ, anh, em, vợ, chồng. Tức là “chồng giá” để hỗ trợ cho nhau chứ hiện hữu rất khó khăn.
“Chúng ta đòi hỏi mọi việc tốt nhưng cần nghiên cứu có lộ trình giải pháp có chế độ chính sách mức tối thiểu để cán bộ yên tâm công tác. Phải luôn quan tâm để giảm bớt khó khăn đối với những người tâm huyết, nhiệt huyết muốn giữ gìn đạo đức trong sáng của mình trong nghề nghiệp”, ông Trí nói.