Liên kết trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi được xem là yêu cầu, giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cung không gặp cầu. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai ở nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhìn từ Nam Định, một trong những tỉnh trọng điểm nông nghiệp ở phía Bắc càng thấy rõ hơn điều này.
Tái cơ cấu nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi vẫn phải tự lo đầu ra”
Trong câu chuyện về đời sống “tam nông” ở địa phương với PV Đại Đoàn Kết mới đây, ông Hồ Xuân Đĩnh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Trung, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định) kể rằng: quyết tâm làm giàu từ đất, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất công vốn là đất hai lúa hiệu quả thấp, vụ đông năm 2015.
Hai thanh niên của xã là anh Long, anh Quyền đã đầu tư giống vốn, công sức để trồng tới 10 mẫu khoai tây. Thời điểm các anh trồng, giá khoai tây đang khá cao, 8-10.000 đồng/kg. Cuối vụ, cũng là vào thời điểm giáp tết, sản lượng hai anh thu được khá cao, tới trên 50 tấn củ.
Nhưng không may cho hai anh, khi đó giá khoai tây tụt xuống chỉ còn khoảng 4.000đ. Nghĩ giá cả đang “nhảy múa” thất thường, ra ngoài tết giá khoai có thể cao trở lại, hai anh quyết định “găm” hàng. Tuy nhiên, thị trường không “chiều lòng” anh Long, anh Quyền, càng để lâu giá càng hạ sâu, đó là chưa kể để lâu, không được bảo quản tốt, khoai bị thối rất nhiều. “Số còn lại các chú ấy phải bán đổ bán tháo với giá 2000 đồng/kg. Lỗ nặng, mỗi người mất mấy chục triệu đồng, sau lần ấy các chú ấy bỏ luôn, không dám làm tiếp”, ông Đĩnh tiếc nuối.
Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và trong tâm thế người “đánh bạc” với thị trường như hiện nay, người nông dân không thất bại, thua thiệt mới lạ. Nó cũng cho thấy rõ hơn một điều họ đang rất đơn độc trên cánh đồng của mình, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Kể về cung cách sản xuất của mình cũng như của các hộ nông dân khác ở địa phương, ông Nguyễn Văn Toàn (xã Nam Dương, huyện Nam Trực) chia sẻ: “Ở đây chủ yếu trồng rau màu, đủ loại, từ cà chua, xu hào, bắp cải, dưa lê, dưa hồng, đậu đỗ…Trồng cây gì, cà chua hay khoai tây, bắp cải hay đỗ là do vợ chồng tự bàn bạc, quyết định, không theo một kế hoạch chung nào. Có khi nhà tôi trồng cà chua nhưng ruộng nhà bên cạnh trồng khoai tây, xu hào. Thường thì vụ trước thấy cây nào được giá vụ sau lại trồng tiếp. Có năm may mắn cây ấy lại được giá tiếp nhưng cũng nhiều năm thất bại vì giá quá rẻ. Tóm lại là hên xui!”.
Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, ông Toàn cho hay: “Việc này hoàn toàn do chúng tôi tự lo! Bằng cách vợ chồng chia nhau, mỗi người một xe máy chở lên TP Nam Định hoặc các chợ xa gần khác trong tỉnh bán. Hôm nào may mắn bán hết một lần được cho đại lý thì được về sớm. Hôm nào phải bán lẻ thì phải đến tối muộn mới về đến nhà”.
Ông Hồ Xuân Đĩnh, Chủ nhiệm HTX NN Mỹ Trung cho hay: Thời gian qua ở xã Thành Lợi có nhiều DN, tổ chức, cả những cá nhân về đặt vấn đề với HTX về việc liên kết tổ chức sản xuất rau sạch, sau đó họ sẽ thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Đĩnh về tìm hiểu thì nhiều nhưng sau đó chẳng thấy có ai quay lại để “làm thật”.
“Rất khó để tích tụ được đất đai”
Liên quan đến việc này, ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định cho biết từ năm 2014, tỉnh này đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành NN”.
Triển khai đề án này gắn với Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã thực hiện được một số việc, trong đó về trồng trọt đã cơ bản chuyển đổi được cơ cấu giống lúa; chuyển đổi được khoảng 600 ha đất trồng lúa kém hiệu quả; từng bước áp dụng, phát triển sản xuất theo mô hình VietGAP, xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn. Về chăn nuôi, đang tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại,gia trại. Về thủy sản, cùng với hoạt động khai thác, tỉnh đang tập trung phát triển nuôi những con có giá trị kinh tế cao, thế mạnh của địa phương như ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược…
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Điền thừa nhận cho đến nay mô hình này chưa xuất hiện nhiều ở Nam Định. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 10 mô hình sản xuất theo hướng này.
Ông Điền cũng cho hay, đến nay số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh khá cao, 112 xã (chiếm hơn 50% tổng số xã) nhưng mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm thì vẫn thiếu vắng ở những xã này…
Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh, một trong những nguyên nhân mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa xuất hiện nhiều ở địa phương là do tỉnh chưa thu hút được nhiều DN về đầu tư vào lĩnh vực NN.
“Diện tích đất NN bình quân đầu người ở Nam Định rất thấp, lại được giao khoán lâu dài cho các hộ, cùng với các quy định hiện hành về bảo tồn quỹ đất trồng lúa nên rất khó khăn cho việc tích tụ ruộng đất để có thể tổ chức liên kết sản xuất nông sản hàng hóa. Trong khi đây là yêu cầu đầu tiên các địa phương phải đáp ứng nếu muốn thu hút DN về đầu tư”, ông Điền nêu thực tế.
Cũng theo ông Điền, các HTX NN được kỳ vọng đóng vai trò là đầu mối thu mua nông sản cho nông dân nhưng trên thực tế hiện phần lớn các HTX NN của tỉnh hoạt động không hiệu quả, đang trong quá trình chuyển đổi, hầu hết không lo đầu ra nông sản cho thành viên…
Liên quan đến những khó khăn trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực NN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan nêu ví dụ: hiện tại có hai tập đoàn kinh tế lớn là Vingroup và Hòa Phát đã về Nam Định đầu tư vào các dự án sản xuất rau sạch và chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao. Tuy nhiên, quá trình thu gom đất đáp ứng yêu cầu của DN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Không giống các dự án công nghiệp, để có đất thực hiện các dự án trên, tỉnh và DN phải thực hiện theo cơ chế vận động các hộ nông dân cho thuê lại đất. Để “gom” được 140 ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phục vụ dự án sản xuất rau sạch của Vingroup, DN phải “đàm phán” với tổng cộng 3000 hộ nông dân, không đơn giản chút nào. Trong số này có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không. Khi đó chính quyền lại phải thực hiện dồn điền đổi thửa lần hai, đất của số hộ đồng ý cho thuê dồn tập trung về một nơi, của các hộ không đồng tập trung về một nơi. Rất cầu kỳ, phức tạp!”, ông Hoan nêu thực tế.
Chưa hết, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, quá trình thực hiện, dự án còn bị vướng bởi quy định trong luật đất đai. Cụ thể, liên quan đến đất công do chính quyền cấp xã quản lý, điều 132 của Luật Đất đai 2013 quy định cấp xã chỉ được quyền cho các hộ tư nhân thuê trong thời gian 5 năm, không được phép cho DN thuê. Khi DN có nhu cầu, chính quyền cấp xã không thể chủ động đáp ứng.
“Ví như ở xã Xuân Hồng hiện có 40 ha đất NN công do xã quản lý Vingroup đang muốn thuê lại, vì vướng quy định của Luật nên chính quyền xã chưa thể đáp ứng nhu cầu của DN”, ông Hoan nêu thực tế.
“Muốn được thí điểm mô hình nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất” Để thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn mới, gắn với tái cơ cấu ngành NN, một trong những giải pháp của tỉnh Nam Định là ưu tiên khuyến khích thuê gom, tích tụ ruộng đất. Thí điểm mô hình nông dân góp vốn cổ phần với DN bằng giá trị quyền sử dụng đất NN. Tỉnh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số chính sách tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP để đủ sức hấp dẫn và thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này,; tăng cường hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất NN hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm… Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định |