Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua

Việt Thắng 19/09/2023 14:13

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các Ngân hàng Thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Ngày 19/9, tại phiên Chuyên đề thứ 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, đưa ra khuyến nghị đối với chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, có nhiều chính sách vĩ mô phù hợp đảm bảo hệ thống tài chính. Trong đó ngân hàng nhà nước phải hết sức cẩn trọng về các chính sách tài chính, về các vấn đề lãi suất, thị trường liên ngân hàng.

Do đó giải pháp được đại diện IMF đưa ra là cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần tìm lại niềm tin của nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước vào Việt Nam; tăng cường các cơ chế tái cơ chế cơ cấu doanh nghiệp; xây dựng khuôn khổ thanh lý doanh nghiệp; các biện pháp giải quyết nợ mà không cần qua Tòa án, có các biện pháp thanh lý nợ hợp lý.

“Điều quan trọng tiếp theo là phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư; để bảm đảm niềm tin cho các doanh nghiệp thì cần đầu tư vào điện, cơ sở hạ thầng, giảm thuế, chi phí doanh nghiệp. Ngoài ra, cần thêm các nỗ lực để tăng cường khả năng quản trị, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo sự chắc chắn của pháp luật”-ông Jochen Schmittmann kiến nghị đối với Việt Nam.

Trao đổi về giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ, GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gõi hỗ trợ.

Vì vậy theo ông Thành để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo. Mặt khác ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng. Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về ngành nghề, do dư địa chính sách đang bị thu hẹp dần, do đó, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt.

Ông Hưng nói rằng: Giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; tăng chi để kích cầu nền kinh tế. Qua đó góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế. Kết quả là kinh tế của Việt Nam chúng ra vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tuy nhiên quan trọng nhất là việc gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Một giải pháp được ông Công “hiến kế” đó là cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI. Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ.

“Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa”-ông Công nói.

Trước các vấn đề được các đại biểu đặt ra, trả lời thêm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid và tình hình sản xuất của thế giới.

Do đó điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các Ngân hàng Thương mại và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Điển hình nhất là một số công cụ và mong muốn của doanh nghiệp là lãi suất. “Điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các Ngân hàng Thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Ông Tú nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Tú thông tin NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý. Đây cũng là thành công của NHNN trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá và lãi suất để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong lĩnh vực tín dụng, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó hạ lãi suất của Ngân hàng Thương mại; giãn/hoãn cho những khoản nợ, khoản lãi đến hạn mà chưa trả được thì được kéo dài ít nhất 1 năm; cắt bỏ chi phí, rào cản, thủ tục, phí, điều kiện tiếp cận của Ngân hàng Thương mại.

Ông Tú cũng cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, thể chế để tạo điều kiện hơn nữa, giúp thông thoáng cho các Ngân hàng Thương mại cho vay và ứng dụng công nghệ trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO